Kiên cường, bền bỉ trong “cuộc chiến” giữ vững vị thế, uy tín, thanh danh của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Năm 14:33 05/10/2023

Để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải nhận thức đúng đắn, thực hiện đồng bộ việc nâng cao hiệu quả, tăng cường tính chiến đấu và bảo đảm tính thuyết phục trong “cuộc chiến” giữ gìn, bảo vệ vị thế, uy tín, thanh danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và bản chất chế độ chính trị-xã hội ưu việt mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Kiên trì bồi đắp niềm tin, lý tưởng cao đẹp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

Mục tiêu của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, sự ổn định chính trị-xã hội, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nếu xa rời nguyên tắc này thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch cũng không có tính mục đích.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch phải góp phần vào việc tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Mặt khác, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này sẽ góp phần bồi dưỡng lập trường, tư tưởng, ý thức hệ, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, hình thành tư duy lý luận chính trị cho những người xây dựng và hoạch định chính sách, cũng như những nhà nghiên cứu khoa học lý luận nói chung; góp phần vào việc bổ sung, phát triển những nguyên lý, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận trong nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phải góp phần hình thành, bồi đắp niềm tin, lý tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong công cuộc xây dựng xã hội mới, con người mới. Sự vững vàng về lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp trong hệ thống chính trị chính là hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Vận dụng phương pháp đấu tranh mác-xít trong “cuộc chiến” bảo vệ Đảng

Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta cần vận dụng phương pháp mà các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Ngay từ đầu năm 1842 đến tháng 3-1843, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tích cực đấu tranh, vạch trần bản chất vụ lợi, sự lừa gạt của luật pháp và nhà nước Phổ; thể hiện sự cảm thông sâu sắc với tình cảnh khổ cực của những người nông dân trồng nho xứ Môden. Những bài viết đăng trên Báo Sông Ranh thời gian này bước đầu hình thành tính phê phán, tính chiến đấu mạnh mẽ của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với những khuynh hướng duy tâm và lập trường chính trị thỏa hiệp, phản động của một số nhà triết học, nhà tư tưởng, nhất là những đại biểu của phái Hêghen trẻ.

Thông qua các tác phẩm: “Vấn đề Do Thái”, “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen-Lời nói đầu”, “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị”, “Gia đình thần thánh”, “Tư bản”..., C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp tục làm rõ những hạn chế của cách mạng tư sản và phê phán những quan điểm phản động, phản cách mạng, chủ nghĩa vô chính phủ, trực tiếp phân tích và phê phán xã hội tư bản. Đặc biệt, “Chống Đuyrinh” là một tác phẩm kiểu mẫu đấu tranh chống kẻ thù của Chủ nghĩa Mác.

V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý luận đó về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng. V.I.Lênin đã phê phán toàn diện triết học duy tâm tư sản và chủ nghĩa xét lại trong triết học. Các tác phẩm của V.I.Lênin đã kết hợp một cách hữu cơ tinh thần cách mạng chiến đấu với tính khoa học sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức và sự nghiệp cải tạo thế giới bằng con đường cách mạng.

Ngày nay, những quan điểm sai trái, thù địch núp bóng ở nhiều vấn đề khác nhau và rất khó nhận diện. Tuy nhiên, kiên định với những nguyên lý căn bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và giữ vững nguyên tắc của Đảng thì chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện, nhận diện và có dũng khí đấu tranh với mọi quan điểm sai trái, thù địch.

Khẳng định sức sống không thể phủ nhận của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết khoa học, vì chủ nghĩa ấy đã chỉ ra được những quy luật khách quan trong sự vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy; đồng thời lần đầu tiên, chủ nghĩa ấy đã tạo ra bước ngoặt cách mạng trong lịch sử triết học khi làm cho lý luận gắn với hoạt động thực tiễn của con người. Tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa ấy có cơ sở từ sự tiếp thu toàn bộ những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại từ thời cổ đại đến thời đại các ông, mà trực tiếp nhất là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

C.Mác đã tiến hành tổng kết lịch sử, kế thừa có chọn lọc, có phê phán toàn bộ tư tưởng xã hội trên cơ sở khái quát thực tiễn thời đại. Chủ nghĩa ấy được xây dựng trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, thông qua sự khái quát của C.Mác và Ph.Ăngghen nên nó là học thuyết chính xác. Cơ sở cho tính khoa học và tính cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin còn là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Cho nên học thuyết ấy còn mang tính thực tiễn.

Lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin tuyệt đối không phải là khoa học trừu tượng, tư biện mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn và vì thực tiễn hướng tới mục tiêu giải phóng con người khỏi sự chế ngự bởi “vương quốc tất yếu”, để bước tới “vương quốc tự do”. Xuyên suốt toàn bộ di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của C.Mác là một thế giới quan mới và phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Hạt nhân làm nên tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác chính là thế giới quan duy vật biện chứng-thế giới quan đã xây dựng nên học thuyết triết học mới, trong đó chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng thống nhất với nhau một cách hữu cơ thành một hệ thống chỉnh thể-chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng, C.Mác đã đưa ra hai phát minh khoa học vĩ đại là quan niệm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư. Với quan niệm duy vật lịch sử, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy luật phát triển của xã hội loài người được phát hiện. Ph.Ăngghen viết: “Trên hành tinh của chúng ta, Sáclơ Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ. Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người”(1). V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”(2) .

Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị-xã hội tồn tại đến ngày nay đã minh chứng hùng hồn cho giá trị và sức sống mãnh liệt, trường tồn và vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự phát triển của lịch sử nhân loại.

Thực tiễn là chân lý chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của chúng ta

Thước đo quan trọng nhất thể hiện tính hiệu quả của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch chính là thành quả của sự nghiệp đổi mới, cuộc sống hạnh phúc của nhân dân ta.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, truyền thông đa dạng, phong phú trên các kênh, chúng ta cần làm cho thế giới biết đến Việt Nam ngày nay đã có vị thế mới trong cộng đồng quốc tế, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, chỉ với 14 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 250USD trong những năm đầu đổi mới, sau gần 4 thập niên, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và có quan hệ kinh tế-thương mại với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, là nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định nhất trong ASEAN. Việc ký kết và thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, chủ trì các hội nghị đa phương lớn của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với 28 nước thành viên EU, đã đánh dấu bước tiến mới của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó có tất cả các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế của thời đại.

Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021; Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025; Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017; Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận, hoàn thành tốt 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, góp phần nâng cao uy tín, vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Mới đây, Việt Nam đề xuất và soạn thảo Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua. Điều này đã hiện thực hóa chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang trở thành nước có quan điểm, cách tiếp cận mới, góp phần định hướng những giá trị chung cho nhân loại.

Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế luôn coi Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng, lợi thế cũng một phần bởi giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự định hướng đúng đắn, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và trên hết là một thể chế chính trị có vai trò định hướng, dẫn dắt và quản trị tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến mới mạnh mẽ trong tương lai.

Những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đã chứng tỏ những người cách mạng chúng ta đang đi đúng hướng. Vì vậy, những quan điểm sai trái, thù địch cần phải được quét sạch trên con đường đi của chúng ta!

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

------------------

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tập19, tr.496

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 23, tr.53