Bài 3: Đồng lòng đẩy lùi tà đạo
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở cùng với lực lượng công an, biên phòng đứng chân trên địa bàn đã tăng cường phổ biến, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh phức tạp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó đã tạo sức mạnh đoàn kết, đồng lòng trong toàn hệ thống chính trị cũng như toàn dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay ở cơ sở; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không để trở thành điểm nóng, phức tạp về tà đạo trên địa bàn.
Bài 2: Lấy tuyên truyền làm then chốt
Quyết liệt từ phía cơ quan chức năng
Từ tháng 4/2018, tại bản Co Đứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà) có 3 hộ, 18 nhân khẩu nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết và tin vào những luận điệu của tà đạo “Bà cô Dợ”. Họ tin những lời hứa hẹn sẽ có nhà nước riêng của người Mông, không cần làm mà vẫn có cái ăn… gây ra xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng lao động sản xuất trên địa bàn. Bằng việc kiên trì vận động, tuyên truyền, các trinh sát an ninh Công an huyện Mường Chà cùng lực lượng chức năng đã giúp nhiều người nhẹ dạ, cả tin hiểu ra được bản chất của tà đạo. Đến nay, nhiều gia đình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, quay trở lại sinh hoạt theo tôn giáo được pháp luật cho phép. Đặc biệt, từ ngày 2 - 27/7/2023, Công an huyện Mường Chà đã chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động cá biệt đối với 3 hộ, 16 nhân khẩu tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần xóa bỏ 100% tà đạo “Bà cô Dợ” ra khỏi địa bàn huyện.
Đại úy Lý A Vàng, Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Mường Chà) cho biết: Qua tuyên truyền, vận động kết hợp với sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, hành chính công khai, thu thập tài liệu, chứng cứ về các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, đặc biệt là đối tượng Cháng A Sùng là “trưởng nhóm” phụ trách các hộ theo tà đạo “Bà cô Dợ” trên địa bàn huyện Mường Chà để đấu tranh, vạch trần các đối tượng. Đến ngày 27/7/2023, 3 hộ tin theo tà đạo “Bà cô Dợ” đã ký cam kết tự nguyện từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không tin theo luận điệu của kẻ xấu, không tin theo các loại tà đạo.
Để ngăn ngừa, phòng chống tà đạo, ngay khi phát hiện tà đạo xâm nhập, ảnh hưởng vào địa bàn, lực lượng công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức rà soát số lượng người tin theo, đánh giá niềm tin, mức độ ảnh hưởng của quần chúng nhân dân; đồng thời nghiên cứu làm rõ bản chất của các tà đạo. Công an tỉnh đã nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải tán hơn 40 vụ tuyên truyền, các điểm tập trung đông người hoạt động tà đạo trái pháp luật; xử lý hành chính 04 đối tượng, xử lý hình sự 04 đối tượng có liên quan hoạt động tà đạo; thu giữ hơn 600 tài liệu và các vật phẩm, thiết bị có liên quan. Kết quả, đã giải tán tất cả các điểm hoạt động tập trung trái pháp luật; vận động 1.636 người từ bỏ các loại hình tà đạo, hiện tượng tín ngưỡng; đặc biệt là xóa bỏ hoàn toàn tà đạo “Giê Sùa” và cơ bản kiềm chế hoạt động của các loại hình tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tín ngưỡng, không để các tổ chức, hội nhóm này lây lan, phát triển trên địa bàn toàn tỉnh.
Với địa bàn biên giới, từ khi phát hiện tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”, bộ đội biên phòng đẩy mảnh phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh ngăn ngừa và đẩy lùi tà đạo ra khỏi vùng biên. Đến cuối năm 2019 đã vận động 100 hộ, 605 nhân khẩu theo tà đạo “Giê Sùa” ký cam kết từ bỏ tà đạo và quay lại sinh hoạt đạo chính thống. Hết tháng 5/2023, Bộ đội Biên phòng vận động 16 hộ, 86 nhân khẩu từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”, quay lại sinh hoạt đạo chính thống…
Phát huy sức mạnh nhân dân
Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước có nhiều hoạt động chống phá Đảng, chính quyền. Trong đó đã lợi dụng tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” nhằm kích động tư tưởng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Để giữ vững ổn định tình hình ANTT, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Nậm Pồ đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”; đặc biệt là đã xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh, trật tự”. Đến tháng 9/2023, Công an huyện xây dựng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh, trật tự” với 21 điểm nhóm tôn giáo, 1.321 hộ (7.824 nhân khẩu) tham gia tại 13 xã. Từ khi thành lập, các tổ tự quản đã tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng tín đồ tôn giáo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, phản ánh đến cơ quan chức năng; giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT...
Thượng tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ cho biết: Mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh, trật tự” đã và đang phát huy hiệu quả, có nhiều đóng góp vào công tác bảo đảm ANTT ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân hưởng ứng, đánh giá cao. Các tổ tự quản đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng tín đồ tôn giáo nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ tự quản điểm nhóm đã vào cuộc tuyên truyền, vận động quần chúng tín đồ tạm dừng tổ chức sinh hoạt định kỳ tôn giáo nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Đồng thời chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng sớm kiểm soát dịch bệnh...
Tương tự như Nậm Pồ, nhằm huy động sức mạnh toàn dân, năm 2022, Huyện ủy Điện Biên Đông đã thành lập 198 “Tổ dân vận thôn, bản” trên địa bàn các xã, thị trấn. Sau khi thành lập, các tổ dân vận thôn bản đã giúp cấp ủy địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo… Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng không thể thiếu vai trò của nhân dân. Trong đó phải kể đến vai trò của các “Tổ dân vận thôn, bản”. Đó chính là hạt nhân quan trọng tại cơ sở để tuyên tuyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nội quy, quy định của địa phương. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao ý thức chấp hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2018 và các quy định khác của pháp luật về hoạt động tôn giáo để người dân không tin, không theo tà đạo “Giê Sùa” cũng như các loại tà đạo khác…
Hiện nay, lực lượng chức năng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố 141 cụm liên kết về an ninh trật tự; 1.547 tổ an ninh nhân dân; 1.235 tổ xung kích an ninh; xây dựng 36 xã, 223 tổ dân phố (thôn, bản), 16 dòng họ là “điểm sáng” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 6 “Bản bình yên”, 21 điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự. Các mô hình với nòng cốt là sự tham gia của quần chúng nhân dân không chỉ góp phần giữ gìn, đảm bảo ANTT, mà còn tạo tiền đề nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng dẫn, giúp đỡ người dân lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời tăng cường sự giao lưu, phối hợp, góp phần giữ vững mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc.
Bài 4: Để đồng bào tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”