Bài 4: Để đồng bào tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo, từng bước nâng cao đời sống và nhận thức cho nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo sinh hoạt ổn định theo hệ phái được Nhà nước công nhận cũng như quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tôn giáo… Từ đó giúp đồng bào có đạo thêm vững niềm tin với Đảng và Nhà nước, yên tâm sống “tốt đời, đẹp đạo”, không tin và nghe theo luận điệu của kẻ xấu.
Bài 3: Đồng lòng đẩy lùi tà đạo
Bài 2: Lấy tuyên truyền làm then chốt
Đảm bảo chế độ, chính sách cho đồng bào có đạo
Dịp lễ Giáng sinh năm 2022, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Pồ đã chia làm nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà 96 điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn. Thông qua đó, lãnh đạo huyện ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các điểm, nhóm đạo, các chức sắc và bà con giáo dân trong sự phát triển chung của huyện; đồng thời mong muốn các chức sắc, chức việc, trưởng phó các điểm nhóm và người dân có đạo tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: “Nậm Pồ có hơn 60.000 dân, trong đó gần 50% người dân theo đạo. Dịp lễ Giáng sinh hàng năm, huyện đều phân công các tổ đến chúc mừng, chia vui kết hợp với vận động nhân dân sống “tốt đời, đẹp đạo” và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của công dân. Không phân biệt người theo đạo hay không theo đạo, chúng tôi luôn thực hiện bình đẳng, đồng đều, khách quan và công tâm mọi chế độ, chính sách cũng như triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc”.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm “bám sát địa bàn, gần gũi người dân”, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, các chính sách dân tộc, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, giữ gìn thuần phong mỹ tục đi đôi với bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, các tai, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch tới các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ; thường xuyên liên lạc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, các trưởng điểm nhóm để trao đổi và hướng dẫn, nắm bắt tình hình sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, quan tâm, hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng y tế, lương thực, thực phẩm cũng như giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo theo cấp, ngành quản lý đúng quy định.
Đã từng lầm đường theo tà đạo “Bà Cô Dợ” nhưng sau khi được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về bản chất của tà đạo chỉ là những lời dối trá, lừa gạt, nên gia đình anh Sùng A Thanh, bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã không còn tin theo tà đạo. Anh Thanh chia sẻ: “Tôi lên trên mạng nghe theo “Bà cô Dợ” tuyên truyền rằng ai đi theo không cần làm nương, chăn nuôi vẫn có người gửi tiền về cho, sau khi chết sẽ được lên thiên đàng sống sung sướng. Vì mù quáng tin theo những lời lừa gạt đó mà cuộc sống của gia đình ngày càng khốn khó, thiếu thốn hơn. Cũng may nhờ có các cán bộ tuyên truyền mình là công dân Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật và tin theo đạo chính thống của Việt Nam nên tôi và gia đình đã từ bỏ, không tin theo tà đạo nữa. Lại được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ về mọi mặt đời sống, được thụ hưởng các chế độ, chính sách như những bà con khác; giờ đây, chúng tôi chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế thôi”.
Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm dột nát cho người dân, các địa phương trong tỉnh tập trung hỗ trợ làm nhà cho nhiều đồng bào tôn giáo theo Chương trình làm nhà cho hộ nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ… Cấp ủy địa phương chú trọng xây dựng Đảng trong đồng bào tôn giáo, quan tâm kết nạp Đảng cho người có đạo. Nhờ vậy, nhiều người đã được tín nhiệm và giữ các chức vụ quan trọng trong tổ chức chính quyền địa phương; trở thành các hạt nhân, “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào tôn giáo.
Những việc làm đó đã thể hiện tính công bằng, khách quan đem đến niềm tin cho bà con có đạo. Qua đó giúp họ củng cố lòng tin để nhất trí, đồng lòng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động tôn giáo; tích cực, tự giác nâng cao nhận thức, không bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia các tà đạo hay vi phạm pháp luật.
Tạo điều kiện cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo
Tính đến ngày 31/5/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 81.586 người tin theo 04 tôn giáo: Tin lành, Công giáo, Phật giáo và Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam tại 644 thôn, bản, tổ dân phố, thuộc 117 xã, phường, thị trấn ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố; sinh hoạt tại 445 điểm nhóm. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tôn giáo của một bộ phận người dân theo các tôn giáo cũng như hoạt động của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc theo quy định của pháp luật, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của các chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo và các điểm nhóm, tạo điều kiện cho các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo được diễn ra bình thường, ổn định. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành cùng lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định có liên quan.
Ông Lê Đình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Năm 2014, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên; năm 2016 chấp thuận cho Giáo phận Hưng Hóa được thành lập Giáo xứ Điện Biên. Chính quyền cơ sở đã chấp thuận cho 389/445 điểm nhóm tôn giáo sinh hoạt tập trung. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận các tổ chức tôn giáo mở 26 lớp bồi dưỡng giáo lý, khóa tu cho 3.619 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ; tiếp nhận và giải quyết 437 lượt hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo. Tỉnh cũng cho chủ trương để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên được đầu tư xây dựng một số dự án Khu văn hóa tâm linh tại các huyện: Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và Giáo xứ Điện Biên được xây dựng nhà thờ. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, tổ chức các cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở thờ tự, nhất là trong dịp lễ lớn của tôn giáo, như: Lễ hội Phật giáo mùa hoa ban, lễ Phật đản, lễ Vu lan; lễ Noel, Phục sinh của Công giáo và Tin lành... theo quy định của pháp luật. Nhờ có sự quan tâm, chăm lo, đoàn kết các tôn giáo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, đời sống tinh thần của chức sắc, tín đồ được cải thiện, nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và các hoạt động tôn giáo được đảm bảo.
Sau khoảng 6 năm được tuyên truyền, vận động hiểu được bản chất của tà đạo “Bà cô Dợ” là hoạt động trái pháp luật, 3/3 hộ dân huyện Mường Chà đã từ bỏ tà dạo này và cam kết quay trở lại sinh hoạt theo hệ phái tôn giáo đã được công nhận từ ngày 27/7/2023. Anh Cháng A Sùng, bản Co Đứa, xã Na Sang đã từng là “trưởng nhóm” phụ trách các hộ theo tà đạo “Bà cô Dợ” trên địa bàn huyện cũng đã “thức tỉnh”. Anh Sùng cho biết: “Năm 2017, thông qua các trang mạng xã hội, tôi đã biết đến tà đạo “Bà cô Dợ”. Sau khi tìm hiểu vào khoảng tháng 1/2018, tôi đã tin theo tà đạo này. Đến năm 2023, tôi nhận thấy nội dung tuyên tuyền, cách thức tuyên tuyền của tà đạo “Bà cô Dợ” không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông và một số giáo lý, giáo luật của tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Mặt khác, tôi nhận thấy cuộc sống của các hộ gia đình theo tà đạo “Bà cô Dợ” cũng chẳng mấy khá giả gì mà còn lục đục và ngày càng nghèo khổ hơn… Vì vậy, tôi cùng gia đình đã từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”. Giờ đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo được hoạt động, sinh hoạt tôn giáo được diễn ra bình thường, ổn định nên mọi người hãy chấp hành nghiêm túc sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định và cảnh giác không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của tà đạo “Bà cô Dợ” nữa…”.
Với việc chấp thuận thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc và cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho các điểm nhóm tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, hợp pháp của đại đa số chức sắc, tín đồ; góp phần hạn chế sự tác động, lôi kéo của các đối tượng xấu theo tà đạo. Qua đó cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp là luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; quan tâm thực hiện chính sách tôn giáo, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo. Sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh Điện Biên đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào theo tôn giáo vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước; góp phần chung tay xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển vững mạnh, ổn định về quốc phòng và an ninh.