ĐBP - Sáng nay (7/1) Quốc hội khóa XV tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất bằng hình thức trực tuyến.
Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao đối với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Với giải pháp tài khóa quy mô 291 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn so với các gói hỗ trợ từ trước tới nay, có được gói hỗ trợ này doanh nghiệp và người dânsẽ được tiếp sức vượt qua những khó khăn trước mắt.
Đối với nội dung 2 phương án Chính phủ trình để Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid -19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, chính sách này là đúng đắn, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đảm bảo an sinh xã hội. Thực tế chúng ta thấy việc ủng hộ này có thể có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật lên so với giá trị thật như đã từng xảy ra trong thời gian qua, nhưng không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên vì có “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà Quốc hội không xem xét đến các phương án do Chính phủ trình mà cần bàn làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo đạt kết quả tốt; việc nâng giá, khống giá đã có các quy định của pháp luật làm hành lang quản lý (ai vi phạm thì xử lý). Đại biểu Lò Thị Luyến nhất trí đồng thuận, ủng hộ phương án 1: “Khi doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”. Thực tế thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ bằng hiện vật (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm…) rất hiệu quả, thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu cần thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho Nhân dân.
Cử tri cả nước rất mong muốn được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thật tốt (trước mắt là đường giao thông), cử tri rất phấn khởi khi Chính phủ đã xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết gồm 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong đó có nhóm nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (dự kiến bố trí là 113,85 nghìn tỷ đồng) với mục tiêu là “phấn đấu sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp… Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm cân đối kinh phí tạo điều kiện để sửa chữa những đoạn đường đã xuống cấp, một số dự án đường cao tốc vùng núi phía Bắc được triển khai sớm hơn so với thời gian được ghi trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (ví dụ đoạn đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Sơn La - Điện Biên).