Chuyển đổi số cần thực chất, tránh mọi biểu hiện hình thức

Thứ Hai 14:26 08/08/2022

ĐBP - Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo về tình hình triển khai chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an đã hoàn thành 9/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xác thực danh tính căn cước công dân tại giao dịch ngân hàng; sử dụng căn cước công dân khám chữa bệnh…

Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 767.000 tài khoản đăng ký; hơn 102 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 531.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng… So với cùng kỳ năm trước, hoạt động của người dân trên môi trường số 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số; trong đó, 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Theo đó, tỉnh Điện Biên đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về DTI…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được, biểu dương tinh thần của các bộ ngành, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm; đồng thời, nhìn nhận thẳng thắn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là kết quả bước đầu, còn nhiều khó khăn vướng mắc cần giải quyết, còn nhiều việc phải làm, nỗ lực cố gắng cần phải cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trên cơ sở đó tạo nên những đột phá hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ số liệu, thông tin, cùng nhau tiến bộ, tránh tư duy cục bộ; liên tục đổi mới có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi số; huy động mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số…

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Công tác chuyển đổi số nói phải đi đôi với làm, không đánh trống bỏ dùi, chống mọi biểu hiện về hình thức, không để dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng thì ít… Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.