ĐBP - Chiều nay (10/8), Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị, thành phố; tập trung nắm tình hình triển khai thực hiện và những vướng mắc cần tháo gỡ đối với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư: Trong tổng nguồn vốn được phân bổ (4.338 tỷ đồng) giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh đã hoàn thành phân bổ cho từng chương trình. Cụ thể: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.530 tỷ đồng; Chương trình Giảm nghèo bền vững trên 1.434 tỷ đồng; Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên 373 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương là trên 1.151 tỷ đồng.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện chương trình, UBND tỉnh chỉ đạo các các cơ quan thường trực các chương trình căn cứ chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá và hướng dẫn UBND huyện, xã và các cơ quan tham gia thực hiện chương trình trên địa bàn tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá theo quy định.
Tại hội nghị, đại biểu các huyện, thị xã, thành phố tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn vướng mắc, nội dung chủ yếu xoay quanh: Về ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện; hệ thống văn bản của các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện chương trình còn chậm ban hành, đến nay vẫn còn một số bộ, ngành chưa ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của các dự án, tiểu dự án, nội dung thực hiện trong các chương trình nên khó khăn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, các đại biểu nêu một số giải pháp để thực hiện chương trình, như: Điều hành, ban hành và triển khai cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện; cho cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo hiệu quả cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, người dân thực hiện; sử dụng, lồng ghép nguồn lực; thông tin, tuyên truyền; theo dõi, kiểm tra, giám sát...
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô nhấn mạnh: Có những nguyên nhân khách quan như: Văn bản Trung ương chậm ban hành; cùng với đó một số cơ quan, địa phương chưa triển khai quyết liệt; chưa thống nhất trong tham mưu... Thời gian tới, các địa phương tập trung quán triệt, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp chính quyền về các chương trình mục tiêu quốc gia. Tổ chức thực hiện các chương trình đảm bảo đúng quy định trong việc giải ngân, bố trí nguồn lực, tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với chính quyền cơ sở để giải quyết những vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 và các năm tiếp theo.