ĐBP - Xác định là tiềm năng, thế mạnh của huyện, những năm qua Tủa Chùa đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cây chè ở 4 xã phía Bắc: Sín Chải, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sính Phình. Dành sự quan tâm đặc biệt về kinh phí, hỗ trợ giá, giống, phân bón cho người dân vùng chè song qua nhiều nhiệm kỳ, chỉ tiêu các nghị quyết đề ra không đạt. Số lượng cây chè cổ thụ đang ngày một giảm và diện tích chè cây thấp cũng đang thu hẹp, vấn đề đầu ra sản phẩm cũng là bài toán còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cần cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ kịp thời . Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng và phát triển bền vững cây chè cũng như tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân vùng chè.
Bài 1: Chè Shan tuyết nơi đại ngàn
Bao đời nay, giữa bạt ngàn núi đá ở phía Bắc huyện Tủa Chùa, mặc cho khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, hàng nghìn cây chè Shan tuyết vẫn vươn mình phát triển, đâm chồi, nảy lộc xanh tươi trên lớp vỏ xù xì, meo mốc. Đời nối đời, người Mông nghèo ở các xã phía Bắc huyện và cây chè cứ thế dựa vào nhau sống. Trăn trở hướng thoát nghèo bền vững, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền Tủa Chùa tiếp tục đưa cây chè, sản phẩm tạo ra từ búp chè trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của huyện.
Những “đại gia chè cổ”
Gắn bó với cây chè cổ thụ Shan tuyết bao đời nay, ở các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sính Phình, hầu hết người dân nào cũng trồng, chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ. Hộ nào ít vài cây, hộ nhiều vài chục cây chè thậm chí có hộ cả trăm cây. Đời này qua đời khác, chè cổ thụ đã trở thành nguồn sinh kế lâu bền cho người dân. Những gia đình có chè cổ thụ không hộ nào phải lo đứt bữa, nhờ cây chè họ vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Sinh sống ở Hấu Chua (xã Sín Chải) đời thứ 9, ông Hạng A Chư năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn hái rồi thoăn thoắt sao chè. Ở Hấu Chua ông còn được biết đến với biệt danh “Vua chè” và là một trong những “đại gia chè cổ” thụ của xã. Rót chén trà nóng mời khách, ông Chư kể: Trước đây, cây chè cổ thụ nhiều như cây ngô trên nương nhưng người dân cho rằng không có giá trị nên cứ dần phá đi trồng lúa, ngô. Sau này khi biết được giá trị của cây chè thì không chỉ gia đình tôi mà mọi người trong bản ai nấy đều cùng nhau bảo vệ, chăm sóc số cây hiện có của gia đình. Có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè, những năm gần đây ông còn đứng ra thu mua chè và bán lại cho các nhà máy chế biến và đầu tư một xưởng sao chè thủ công ngay tại nhà để bán. Hiện nay, gia đình ông Chư có trên 500 cây chè cổ thụ, cho thu hoạch búp đều đặn, với giá bán từ 30 - 40 nghìn đồng/kg búp tươi; chế biến thành phẩm có giá cao nhất từ 2 - 3 triệu đồng/kg, còn trung bình là 500 - 600 nghìn đồng/kg. Thu nhập từ chè gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng/năm, và thường được người dân trong vùng gọi là “đại gia chè cổ”.
Còn ở Tả Sìn Thàng - xã đứng thứ 2 của huyện về số lượng cây chè cổ thụ với hơn 3.500 cây, đây cũng là địa phương có nhiều hộ kinh tế khá giả nhờ chăm sóc, bảo tồn những diện tích chè do cha ông để lại. Ngoài 3.500 cây chè cổ thụ, thực hiện dự án trồng chè, đến nay Tả Sìn Thàng đã trồng khoảng 150ha chè cây thấp, trong đó cho thu hái ổn định 50% tổng diện tích chè cây thấp. Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng Thào A Chu cho biết: Hiện nay, xã có tổng diện tích chè khoảng 178ha. Mỗi gia đình chỉ cần trồng 1ha chè thôi là có thể sống khỏe, không đói nghèo nữa đâu. Vừa được hỗ trợ, vừa bán sản phẩm giá cao thì chẳng có lý do gì để người dân không trồng và bảo vệ chè cả. Có thời điểm thương lái từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar đã lặn lội về Tủa Chùa để thu mua 80 nghìn đồng/kg chè búp tươi (vụ xuân); còn những vụ khác dao động từ 35 - 40 nghìn đồng/kg là bình thường. Nhờ đó, nhiều đồng bào dân tộc Mông ở Tủa Chùa đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây chè.
Đưa cây chè vào nghị quyết
Xác định chè là cây thế mạnh ở địa phương, phát triển cây chè là nhiệm vụ trọng tâm trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Tủa Chùa đã tích cực khai thác tiềm năng lợi thế vùng chè, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân 4 xã phía Bắc.
Lật lại những nghị quyết trước đây mà cấp ủy huyện đã ban hành như Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2006 - 2010 xác định rõ chè là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con các xã vùng cao và phấn đấu đến năm 2010 đạt 500ha. Để thực hiện mục tiêu này, Trại Giống nông nghiệp huyện (trực thuộc Công ty Giống nông nghiệp tỉnh) chịu trách nhiệm ươm chè giống. Còn UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo trồng chè, giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khảo sát, lập dự toán kinh phí. Tiếp đó, tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 4/8/2015 của Đảng bộ huyện Tủa Chùa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã xác định 15 mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 là chăm sóc, khai thác và trồng mới diện tích chè, phấn đấu đến năm 2020 là 800ha, sản lượng đạt 30 tấn chè búp khô. Gần đây là Nghị quyết số 01-NQ/ĐH của Đảng bộ huyện Tủa Chùa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025 huyện phấn đấu có tổng diện tích chè 645,9ha, sản lượng chè búp khô đạt 25 tấn; trồng 150.000 vạn cây chè Shan tuyết trở lên (trồng trên diện tích mới và trồng xen kẽ với diện tích chè đã có); sản lượng chè thương phẩm đạt 25 tấn trở lên. Với mục tiêu đó, Tủa Chùa xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ phát triển sản xuất trong ươm giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, năng suất cây chè; tập trung chăm sóc tốt diện tích chè hiện có; bảo tồn, phát huy giá trị chè cây cao cổ thụ và ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết nhằm phát triển kinh tế và du lịch.
Là địa bàn có diện tích chè lớn nhất huyện, nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Sín Chải đã bám sát những chỉ tiêu nghị quyết huyện đề ra; đồng thời cụ thể hóa bằng những chương trình hành động cụ thể. Ông Thào A Nhè, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chải cho biết: Hiện nay, Sín Chải có hơn 3.100 cây chè cổ thụ, tương đương 30ha, tập trung chủ yếu ở 2 bản: Hấu Chua và Sín Chải. Những năm qua, cấp ủy chính quyền xã xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn để người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phát triển vùng chè Shan Tuyết và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được Sín Chải quan tâm chú trọng linh hoạt bằng nhiều hình thức. Các chi bộ, đoàn thể trên địa bàn xã đã tổ chức nhiều Hội nghị quán triệt, triển khai học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cho trên các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia học tập. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp thôn, bản tuyên truyền phổ biến sâu rộng nội dung, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển, bảo tồn cây chè bền vững, cũng như chính sách hỗ trợ giống, phân bón... Qua đó, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.