Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ

Thứ Hai 7:18 22/08/2022

ĐBP - Thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh có số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, những năm qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC gắn với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Nhờ đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nền công vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tính đến hết năm 2021, tổng số CBCCVC toàn tỉnh là hơn 24.150 người; trong đó cấp tỉnh hơn 7.150 người, cấp huyện hơn 14.460 người và cấp xã gần 2.540 người. Đa số CBCCVC có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, có chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, năng lực đội ngũ CBCCVC các cấp chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế; một bộ phận cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; năng suất lao động, hiệu quả làm việc thấp; trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế còn yếu; một số CBCCVC trẻ còn thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện…

Để khắc phục hạn chế trên, từng bước nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ CBCCVC các cấp, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, cụ thể, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt việc phân cấp, phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC đảm bảo đúng đối tượng, thiết thực, hiệu quả; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo từng năm và giai đoạn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý theo quy định… Nhờ vậy, đã nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và CBCCVC về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; việc xây dựng kế hoạch và cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, kế hoạch dần đi vào nền nếp. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, từng bước gắn với quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ; ngày càng có nhiều CBCCVC chủ động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sau đại học hoặc trình độ trên chuẩn vị trí việc làm, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có hơn 27.000 lượt CBCCVC được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý Nhà nước, chức danh nghề nghiệp, kiến thức kỹ năng chuyên ngành; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng quốc phòng - an ninh, ngoại ngữ, tin học, tiếng địa phương…

Ông Nguyễn Công Lâm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tuần Giáo cho biết: Hàng năm huyện Tuần Giáo đều chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCCVC; cử người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh tổ chức; tạo điều kiện cho cán bộ được theo học các lớp đại học để nâng cao trình độ chuyên môn… Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị huyện Tuần Giáo đã cử trên 2.920 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý, kiến thức kỹ năng chuyên ngành… Qua đó, giúp CBCCVC nâng cao trình độ, năng lực, hiệu quả xử lý công việc. Sau đào tạo, huyện chủ động bố trí, sử dụng cán bộ đúng theo năng lực, sở trường, phù hợp với trình độ của từng cá nhân.

Hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCCVC ngày nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công vụ, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Mục tiêu cụ thể được tỉnh đặt ra đến năm 2025 đối với CBCCVC cấp tỉnh là 100% lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng trở lên có trình độ đại học; 100% CBCC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; hàng năm ít nhất 80% CBCC cấp tỉnh, huyện được cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng phương pháp thực thi công vụ; ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành hàng năm. Với CBCC cấp xã, 100% được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; 100% CBCC cấp xã người Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc thiểu số tại địa bàn công tác; hàng năm ít nhất 60% CBCC cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ… Từ đó, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xử lý công việc cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.