Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán là thước đo đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tại hội thảo "Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước" diễn ra sáng 24/8, Kiểm toán nhà nước cho biết: Trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước 63.449 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 91.113 tỷ đồng, kiến nghị khác 199.171 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã được các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời. Cụ thể, kiến nghị về xử lý tài chính đã được các đơn vị thực hiện 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị.
Kiểm toán nhà nước cũng chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát,…
Đáng lưu ý, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định,...
“Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, củng cố cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước, hiệu lực và hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng gia tăng đáng kể qua thời gian cả về số lượng và chất lượng kiến nghị được xử lý. Từ đó, thể hiện được vai trò của Kiểm toán nhà nước là một trong các cơ quan có vai trò tích cực trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước”, Tiến sĩ Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Pháp chế (Kiểm toán nhà nước) nói.
Trao đổi dưới góc độ khoa học về các nhân tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực và vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán đề cập đến 7 vấn đề lớn: yếu tố chính trị và quyết tâm chính trị; yếu tố pháp lý; yếu tố kinh tế; môi trường chính trị, kinh tế, xã hội; yếu tố văn hóa và đạo đức nghề nghiệp; hội nhập quốc tế; công tác thông tin tuyên truyền và dư luận xã hội. Trong các yếu tố tác động tới thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, yếu tố pháp lý đóng vai trò hết sức quan trọng, trong khi lĩnh vực kinh tế lại là nơi khả năng tham nhũng dễ nảy sinh nhất.
Vì vậy để góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết, các chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực kinh tế phải tiên lượng được mọi tình huống và các quy định về quy trình, cách thức kiểm toán một cuộc kiểm toán cần triệt tiêu mọi điều kiện có thể trao cơ hội trục lợi cho cá nhân, tổ chức liên quan, từ đó hạn chế tối đa khả năng và môi trường sản sinh tham nhũng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu rõ những hạn chế trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Điển hình là tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán mặc dù chuyển biến tích cực song còn tới gần 30% kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện kịp thời (tỷ lệ giai đoạn 2015-2021 bình quân là 73,6%).
Việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh làm giảm hiệu lực kiểm toán. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn có đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để; còn có những kiến nghị sau khi phát hành báo cáo kiểm toán phải điều chỉnh. Công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán trong thời gian qua vẫn chưa được thực hiện thường xuyên…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, chống thất thoát lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí với phương châm phòng là chính.
Thông qua kết quả kiểm toán và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm đối với việc sai phạm trong quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ nhằm giúp công chúng có thông tin đầy đủ, kịp thời về điều hành và quản lý ngân sách nhà nước.
Từ những nội dung được trao đổi, như làm rõ một số vấn đề lý luận về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng và chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng và những vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng…, hội thảo đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện hơn trong phối hợp nhằm nâng cao chất lượng phòng chống tham nhũng, lãng phí.