ĐBP - Ngày 19/9, Đoàn thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định số 1315, ngày 13/9/2022 của Ban Tôn giáo Chính phủ về thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Điện Biên, giai đoạn năm 2019 - 2021. Thời gian thanh tra 5 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có các loại hình tín ngưỡng như: Tín ngưỡng thờ cúng người có công với đất nước; tín ngưỡng thờ cúng sử ca; tín ngưỡng thờ Then… Về tôn giáo, tính đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có trên 14.130 hộ với gần 78.950 người theo 4 tôn giáo chính là: Tin lành, Công giáo, Phật giáo và Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, sinh hoạt tại hơn 430 điểm nhóm. Trong 3 năm (từ 2019-2021), công tác tôn giáo và quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; đã tiếp nhận và giải quyết trên 250 thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo. Bên cạnh đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đơn thư và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng được tỉnh quan tâm thực hiện.
Làm việc với đoàn thanh tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cùng đại diện một số sở, ngành đã thông tin, làm rõ một số nội dung đoàn công tác quan tâm như: Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính; những thủ tục thuộc thẩm quyền huyện, xã theo luật định nhưng tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, sự phối hợp giữa các cấp từ xã, huyện đến tỉnh; việc quản lý, sử dụng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong cấp phép xây dựng liên quan đến cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…
Bà Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Ban Tôn giáo Chính phủ), phó trưởng đoàn thanh tra đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh đối với công tác tôn giáo. Qua đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ổn định, đúng quy định, không để xảy ra các điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời nhấn mạnh mục đích của việc thanh tra nhằm đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bộ máy quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để từ đó tìm ra các nguyên nhân, phát hiện các bất cập, vướng mắc để Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay.