Luật Giá được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 để thay thế Pháp lệnh Giá năm 2002, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế. Tuy nhiên, sau 9 năm, Luật đã phát sinh hạn chế về tính đồng bộ với các luật chuyên ngành khác có quy định về giá.
Mở đầu buổi làm việc chiều 19/9 trong khuôn khổ chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Bỏ 14 nhóm hàng hóa, thêm 2 mặt hàng Nhà nước định giá
Dẫn thống kê từ Tờ trình tóm tắt về dự án Luật, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: dự án Luật Giá (sửa đổi) có 8 chương, 72 điều. So với Luật hiện hành, dự án Luật đã bổ sung 3 chương với các nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Cụ thể hơn, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ đã đưa ra phương án trình Quốc hội theo hướng Luật quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo thẩm quyền, hình thức định giá cụ thể. Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh danh mục, thì các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần lập đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã rà soát, cập nhật danh mục 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá hiện hành và các Luật chuyên ngành. Từ đây, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục trên 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ không phù hợp để thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
14 nhóm hàng hóa, dịch vụ trên gồm: dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, soi chiếu an ninh; 1 số thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do tổ chức cung ứng trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp; thuốc lá điếu sản xuất trong nước; thù lao dịch vụ đấu giá; dịch vụ quy hoạch.
Danh sách này còn có: thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; thù lao công chứng; cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng; nước ngầm; dịch vụ sử dụng tiện ích bán hàng tại chợ; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng; mặt nước; dịch vụ sử dụng khu vực biển.
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào diện Nhà nước định giá, gồm: sách giáo khoa; hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.
Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có đề án riêng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện.
Đưa yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ lên hàng đầu
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nêu bật tầm quan trọng, sự cần thiết xây dựng Luật Giá (sửa đổi). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật cần cụ thể hóa hơn nữa những quy định về hàng hóa thiết yếu gắn với việc đánh giá lại một cách căn cơ chức năng quản lý về giá của Nhà nước.
Lấy thí dụ về câu chuyện giá dịch vụ y tế hiện nay, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật cần phải thay đổi được cách nghĩ, cách làm xưa nay là Bộ Tài chính phải xử lý toàn bộ mọi việc liên quan đến giá cả. Thay vào đó, sau này sẽ quy định Bộ Tài chính chỉ tham gia quản lý Nhà nước về giá, còn giá cụ thể phải phân cấp cho các bộ, ngành liên quan, nói cách khác là “người thạo nghề”.
Tiếp tục đi sâu phân tích, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: các quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền bình ổn giá trong dự án Luật cần phải được nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tránh để xảy ra trường hợp chính những can thiệp về bình ổn giá từ phía Nhà nước gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Giá hiện hành và các luật chuyên ngành, đặc biệt là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… phải được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng dự án Luật sửa đổi.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần đánh giá chi tiết các tác động cả về tích cực và tiêu cực theo hướng phân cấp, tránh việc có địa phương, vùng miền đưa ra những quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị rà soát thận trọng, bảo đảm tính bao quát, dự báo đối với các loại hàng hóa, dịch vụ trong danh sách thực hiện theo cơ chế giá thị trường, tránh để xảy ra trường hợp tương tự như câu chuyện nhiều địa phương công bố giá một số mặt hàng phục vụ xây dựng quá chậm, biên độ tăng giá quá cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư tại dự án cao tốc bắc-nam thời gian qua.