ĐBP - Bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” của Trường Chính trị tỉnh Điện Biên là một trong những kênh thông tin quan trọng, hữu ích trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Bản tin còn là nơi đăng tải, chia sẻ các bài viết, nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; là nơi tiếp nhận, đăng tải những bài viết, nghiên cứu của học viên, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2000, Trường Chính trị tỉnh đã có các bài viết theo định kỳ để in và đóng thành nội san. Bản tin của nhà trường đã được phát hành với nhiều tên gọi khác nhau như: Nội san Trường Chính trị tỉnh Điện Biên; Thông tin nghiên cứu - trao đổi Trường Chính trị tỉnh Điện Biên; Thông tin Trường Chính trị tỉnh Điện Biên. Đến nay, thống nhất tên gọi là bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Ban đầu 1 năm xuất bản 1 số; từ năm 2018, xuất bản 1 năm 2 số và đến năm 2022 xuất bản 1 năm 3 số. Hơn 20 năm qua, bản tin đã xuất bản 51 số gồm các bài viết của các tác giả trong và ngoài Trường; số lượng ấn bản phát hành gần 1.000 cuốn tương ứng với 2.295 trang in. “Bản tin Thông tin lý luận và Thực tiễn” có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh Điện Biên, góp phần to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Các bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” dù ở thời kỳ nào cũng được Nhà trường quan tâm; là diễn đàn học thuật, đóng góp trực tiếp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; là phương tiện thông tin của Đảng: tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều bài viết góp phần to lớn vào công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; khẳng định lý luận chính trị không chỉ là một lĩnh vực công tác của Đảng mà là khoa học đã đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị.
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc biên tập, xuất bản Bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”, có một số vấn đề khó khăn đặt ra như: Giảng viên hiện nay chỉ chú ý tập trung vào giảng dạy mà chưa có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các bài báo đăng trên “Thông tin lý luận và Thực tiễn” cũng như các tạp chí khác - đây là một nguyên nhân của sự trì trệ trong đổi mới đồng bộ hoạt động khoa học thời gian qua. Các bài viết hiện nay khá đơn điệu; chủ yếu khai thác các họat động xung quanh giảng dạy và học tập. Nhiều bài viết ý tưởng trùng lặp, không mới. Các bài viết về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước chủ yếu mang tính tuyên truyền, chưa gắn với nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy; cách viết không thể hiện sự sắc bén. Chủ đề, kết cấu, thể thức bài viết chưa thống nhất, chưa phù hợp với Bản tin. Một số bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp định tính, phân tích tổng hợp, giải thích, chứng minh, thiếu sáng tạo, khô khan, thiếu tính hấp dẫn. Ít bài nghiên cứu lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, có ảnh hưởng thực tiễn sâu sắc. Quy chế, quy trình xuất bản còn theo kinh nghiệm và thủ công, chậm đổi mới, từ khâu nhận bài, đánh giá thẩm định của ban biên tập, hầu hết chưa thực hiện bình duyệt/phản biện phản biện kín. Phạm vi phát hành bản tin còn hẹp, xuất bản 100 bản/kỳ, chủ yếu được cấp phát, trao đổi.
Để nâng cao chất lượng biên tập và xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” trong thời gian tới, nhà trường xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong công tác xuất bản, phát hành bản tin. Ban hành Nghị quyết lãnh đạo công tác thông tin trong từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban hành quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học, xuất bản bản tin, trong đó quy định rõ trách nhiệm và cơ chế để động viên, khuyến khích các cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên nhà trường tích cực nghiên cứu, tham gia viết tin, bài cho bản tin của Nhà trường.
Lãnh đạo các khoa, phòng cần quan tâm hơn nữa đến số lượng và chất lượng bài viết của cán bộ giảng viên của khoa, phòng mình quản lý. Thông qua các kỳ sinh hoạt chuyên môn, các buổi họp khoa, phòng định hướng, quán triệt, nhận xét, đánh giá nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò, ý nghĩa của Bản tin; thường xuyên thống kê, tổng hợp các bài viết của giảng viên để biểu dương, hoặc nhắc nhở, đôn đốc kịp thời. Tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở liên kết đào tạo, bồi dưỡng, học viên tham gia viết bài gửi đăng bản tin, để bản tin thực sự là món ăn tinh thần, là nhịp cầu tri thức từ nhà trường đến với học viên. Mở rộng phạm vi loại tin, bài với các chủ đề phong phú, thiết thực, đa dạng, phong phú, gắn các vấn đề lý luận với thực tiễn. Ngoài chú ý kết cấu chủ đề, nội dung các bài viết cần chú trọng những vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn, bám sát các vấn đề bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; về tư tưởng Hồ Chí Minh và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ở mỗi kỳ xuất bản, ban biên tập bản tin cần dự kiến định hướng được hệ thống thông tin, bài cho từng chuyên mục; nhất là hướng đến phương án đặt bài theo nội dung cho từng chuyên mục để tạo tính chủ động trong bố trí, thiết kế cơ cấu, bố cục của từng số bản tin.
Trong thời gian tới, với định hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn với đầy đủ các tiêu chí, thì hoạt động xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” của Trường Chính trị tỉnh Điện Biên cần có quy chế cụ thể hơn, trong đó có quy định rõ các hình thức chi trả cho hoạt động xuất bản, thù lao cho ban biên tập, tổ thư ký và nhuận bút cụ thể cho các tác giả theo các quy định của Trung ương, của tỉnh để thu hút nhiều bài viết có chất lượng.