Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã khép lại với những quyết sách quan trọng. Kỳ họp bất thường lần này đã trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, tạo khí thế mới để cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Kịp thời giải quyết
Trải qua 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra với việc đã xem xét, biểu quyết nhất trí cao thông qua 1 dự án luật và 3 nghị quyết quan trọng.
Nhấn mạnh “quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là một trong những nội dung cấp bách, quan trọng nhất được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia hết sức quan trọng, từ nền tảng này làm căn cứ xây dựng các quy hoạch khác. Nếu thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những quy hoạch tiếp theo cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong những năm tới. “Quy hoạch tổng thể quốc gia khi được Quốc hội thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Quan tâm đến việc Quốc hội thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị quyết tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, cử tri Đàm Văn Trung (quận Hà Đông) cho rằng, Quốc hội đã dành sự quan tâm và có sự cân nhắc, thận trọng đối với những vấn đề liên quan đến công tác y tế và phòng, chống dịch Covid-19. “Việc Quốc hội lựa chọn xem xét, biểu quyết thông qua luật và nghị quyết nêu trên tại kỳ họp bất thường lần thứ hai cho thấy Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, góp phần để ngành Y tế thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch trong thời gian tới”, cử tri Đàm Văn Trung đánh giá.
Với việc tại kỳ họp, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Hồng Hà và đồng chí Trần Lưu Quang, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm làm việc phong phú qua nhiều vị trí, lĩnh vực đa dạng, hai tân Phó Thủ tướng sẽ phát huy năng lực bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhấn mạnh thực tiễn làm việc là thước đo quyết định, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng đây cũng là cơ hội để hai Phó Thủ tướng khẳng định năng lực trước Quốc hội, qua đó thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Để kỳ họp bất thường trở thành bình thường
Với thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là bài học quý để những kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Chia sẻ về kỳ họp bất thường lần thứ hai, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, kỳ họp được tổ chức nhanh chóng, kịp thời ngay trước dịp Tết Nguyên đán càng chứng minh Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, chủ động bám sát thực tiễn để giải quyết, đáp ứng những nhu cầu của người dân. Việc sớm có quyết sách kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ cuộc sống càng thể hiện hình ảnh của một Quốc hội chủ động, linh hoạt, vì nhân dân, đất nước.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội đã có sự chủ động “từ sớm, từ xa” nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho kỳ họp. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nhận định, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các vị đại biểu.
Để kỳ họp bất thường trở thành bình thường, những quyết sách kịp thời của Quốc hội phải đi ngay vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại kỳ họp, cần tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Với sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, thống nhất của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương; sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, có thể tin tưởng tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của nước ta tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.