Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý, trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi mọi đảng viên đều phải tự soi, tự sửa chứ không phải chỉ đứng ngoài mà phán hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can. Các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm gần đây là bài học cảnh tỉnh sâu sắc với mọi cán bộ, đảng viên.
Cách đây 76 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Người chỉ rõ biểu hiện những căn bệnh cụ thể: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ...
Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí, làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”... Ngẫm những lời răn dạy của Bác đến hôm nay, trong cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng vẫn vẹn nguyên giá trị.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước. Căn cứ vào nghị quyết, kết luận và quy định lần này, cần nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà phán hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can.
Tổng Bí thư chỉ rõ, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác...
Nhìn lại những vụ án lớn gần đây, khi bị can, bị cáo vốn trước đó giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, dư luận thường có nhiều góc nhìn. Thứ nhất là hành vi phạm tội, dư luận quan tâm số tiền, thủ đoạn mà những bị can, bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư túi, tham nhũng, trục lợi. Thứ hai là thái độ, lối sống, người đó thuộc típ quan liêu, hách dịch, xa rời dân chúng, bòn rút, vơ vét tiền của để phục vụ thói ăn chơi sa đọa hay chỉ là những vi phạm nhất thời, phạm tội do hoàn cảnh “không giữ được mình”, sai phạm về hành vi chứ không sa ngã về đạo đức, tư cách. Thứ ba là thái độ của người dân đối với bị can, bị cáo, họ có thực tâm ăn năn, hối cải, xa xót về những năm tháng mình đã trót để chủ nghĩa cá nhân biến thành “vi rút độc hại”?
Chiều 18/4/2023, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, còn gọi Tuấn “Tim”) và 11 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” kết thúc phần tranh luận. Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn gửi lời xin lỗi và bày tỏ: “Ngay khi xảy ra sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo đã cảm thấy rất ăn năn. Hành vi của bị cáo đã làm tổn thương họ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hai bệnh viện”. Nói về bản thân mình, ông Tuấn kể vốn thi đỗ Đại học Y Hà Nội và đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài nhưng ông đã lựa chọn đi bộ đội. Sau đó được đào tạo y học và vào ngành tim mạch. Quá trình công tác, ông được cử đi Mỹ, Pháp và một số nước trong khu vực, tiếp thu những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến để chuyển giao công nghệ hiện đại về Việt Nam phục vụ chữa bệnh...
Theo dõi vụ án cho thấy, khác với nhiều bị cáo khác trước tòa, ông Tuấn “Tim” nhận được sự cảm thông, chia sẻ lớn từ dư luận xã hội. Họ bày tỏ sự tiếc nuối khi một người bác sĩ tài năng, người thầy trong nghề y, làm nhiều việc thiện nay phải nhận bản án chấp hành hình phạt tù. Nhưng, cũng nhiều ý kiến khẳng định, tòa tuyên mức án chỉ 3 năm tù đã là rất nhân văn, đã cộng nhiều tình tiết giảm nhẹ và bác sĩ Tuấn cũng như những bác sĩ khác cần phải lấy đó làm bài học cảnh tỉnh: Tài năng càng lớn, danh dự càng cao, càng phải tuân thủ luật pháp, không để các lợi ích vật chất thao túng.
Chiều cuối tháng 6, Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô đã cho bị cáo - cựu Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn được nói lời sau cùng. Đứng trước bục khai báo, ông Sơn thừa nhận tội danh với vai trò chủ mưu, nguyên do “trong phút không giữ được mình mà mắc sai lầm”. “Bị cáo thấy có lỗi với nhân dân, với quê hương và dòng họ. Sai phạm của bị cáo làm mất rất nhiều thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời liên lụy tới người khác. Dù tòa chưa tuyên nhưng tòa án lương tâm đã tuyên, bản thân bị cáo sẽ không bao giờ tha thứ cho sai lầm này” - cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn nói và cho biết, bản thân đã có thời gian 40 năm phục vụ trong quân ngũ, hiện mang nhiều bệnh, mong tòa xem xét giảm nhẹ để sớm trở về với gia đình, cộng đồng.
Cựu Chính ủy Cảnh sát biển Hoàng Văn Đồng thì chia sẻ, bản thân “ân hận vô cùng vì đã cống hiến 42 năm công tác, nay sắp về hưu thì phạm pháp, bị xử lý hình sự. Bị cáo cảm thấy đau lòng vì lỗi lầm gây ra và mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, xã hội”. Cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Bùi Trung Dũng cũng bày tỏ sự xót xa, ân hận khi đã có hơn 44 năm quân ngũ, là thế hệ thứ hai trong gia đình phục vụ trong quân đội, con trai bị cáo là thế hệ thứ ba nhưng khi cha bị bắt đã xin ra khỏi ngành. “Tổn thất với gia đình, dòng họ từ vụ án rất lớn. Bị cáo mong hội đồng xét xử vận dụng các chính sách pháp luật để cho mình được hưởng lượng khoan hồng”...
Bình luận trên các diễn đàn, mạng xã hội, có người cho rằng, đã dám làm thì dám chịu, đã sai phạm nghiêm trọng, tư túi số tiền lớn như vậy của Nhà nước thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm, nhận án phạt nghiêm khắc của luật pháp chứ không thể biện minh. Nhưng, cũng nhiều ý kiến bày tỏ cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh bị cáo, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các bị cáo vốn là lãnh đạo trong ngành Cảnh sát biển, song chỉ vì không làm chủ được “đạn bọc đường” mà sa ngã, vừa đánh mất bản thân, vừa làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Từ đó cần rút ra bài học cảnh tỉnh, phòng ngừa chung.
Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa, sau khi kết thúc tranh luận. Ngẫm sâu hơn, đằng sau mỗi vụ án, đằng sau hành vi phạm tội và sự trừng phạt của luật pháp, đó là ý nghĩa cảnh tỉnh, thức tỉnh sâu xa, lời của một người mà có ý nghĩa thức tỉnh muôn người, thức tỉnh cho những ai đang đi trên con đường ấy, ngồi trên danh vọng và quyền lực, hãy biết tu chỉnh để ngẫm, để nghĩ chính bản thân mình, đừng phạm vào “lối ngược đường” như bị cáo đã phạm phải.
Khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, nói đến quê hương và dòng họ, đến mong muốn “neo đậu bến quê”, ấy là lúc con người ta đã trở về với bản ngã của mình - lúc sa cơ ngã ngựa, chính đó là chốn con người ta cần quay về và tìm đến như một lẽ tự nhiên, như lúc còn thơ đói lòng ngả vào vòng tay của mẹ. Bởi thế, từ những vụ án nổi cộm gần đây, từ “công cuộc củi lửa” với những bản án nghiêm minh, thấu tình đạt lý, từ lời hối lỗi của bị cáo trước tòa, chúng ta đúc rút những bài học cảnh tỉnh, biết trọng danh dự, làm theo lẽ phải, vượt lên những cám dỗ đời thường...