ĐBP - Hôm nay (18/11), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 2) tiếp tục ngày làm việc thứ 2, xem xét, thảo luận nhiều nội dung tờ trình, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đại biểu dự họp cơ bản nhất trí nội dung các dự thảo tờ trình, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 9/12/2017 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; Sửa đổi khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND về việc quy định mức chi bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trên địa bàn tỉnh; Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ tốt nghiệp sau đại học trên địa bàn tỉnh; Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và các lực lượng tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về tôn giáo trên địa bàn; Việc giao số lượng cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Quy định về chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn bản, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức, chính trị – xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND).
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của HĐND quy định mức miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, một số ý kiến đề nghị đơn vị soạn thảo cần cân nhắc đối với các loại khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường như: đá, cát sỏi, đất san lấp... Đồng thời cần cân nhắc mức lệ phí thu trong điều kiện kinh tế của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn; nếu mức thu cao sẽ tác động đến giá thành vật liệu đưa ra thị trường, ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Thu hút các nhà đầu tư khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng. Cần tham khảo giá của các tỉnh bạn; tính toán mức phí đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yếu tố môi trường.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Sở Tài chính rà soát, đánh giá hoạt động thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản từ khi có Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND đến nay. Đối với nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường: đá, cát, sỏi, than... phục vụ trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương cần đưa ra mức thuế giới hạn thấp.
Về quy định cụ thể một số nội dung, mức hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 19/12/2022 của HĐND tỉnh) đa số các đại biểu thống nhất với nội dung chi và mức chi. Một số ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ đối với các mô hình, đặc biệt đối với mô hình xây dựng bản du lịch cộng đồng; hướng dẫn cụ thể về mức chi hỗ trợ đối với các hộ gia đình có diện tích đất làm mô hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái.
Tham gia vào quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 05/2018NQ-HĐND tỉnh), đại biểu huyện Tủa Chùa đề nghị có cơ chế chính sách hỗ trợ, duy trì cây chè cổ thụ và phát triển vùng nguyên liệu chè.
Đối với dự thảo một số nội dung: Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo điều hành năm 2024; tờ trình Quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh... đại biểu sẽ tham gia ý kiến bằng văn bản.