Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại, tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục gia tăng, thậm chí có loại tội phạm phát sinh mới... gây bất an cho xã hội.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Lo ngại nhiều loại tội phạm mới phát sinh
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng qua các báo cáo cho thấy, bức tranh chung về tình hình an ninh trật tự xã hội trong năm qua cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.
Đại biểu Lê Hữu Trí chỉ rõ, các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như: tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự gây rối trật tự công cộng tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn. Đã xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá, điện tử, đồ uống thực phẩm gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên và đe dọa đến an ninh trường học, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tội phạm mua bán người lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài cưỡng bức lao động cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng tăng.
Trong khi đó, đánh giá cao các kết quả đạt được, song đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng bày tỏ lo ngại, các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có nhiều loại lại tăng. Thậm chí có loại tội phạm phát sinh mới, như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc, gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh; tội phạm trong hoạt động đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp; đã xuất hiện băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia để in ấn mua bán bằng cấp giấy tờ giả ở nhiều địa phương...
Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu mong Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc, số người vi phạm lại tăng, trong khi các vụ giảm thì không đáng kể. Đồng thời, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu lấy lại lòng tin với người dân, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Nêu ý kiến, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) chỉ rõ, trong năm 2023, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản. Nhóm tội phạm phức tạp trở lại như cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản, một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây án.
Đặc biệt, theo đại biểu, hiện nay với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này, trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng…
Bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng
Quan tâm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nhấn mạnh đây là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều cái kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.
“Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết.
Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…/.