ĐBP - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri tham gia vào các dự thảo: Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Sau khi nghe ĐBQH thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; qua nghiên cứu các dự thảo luật, luật (sửa đổi), các cử tri đã có trên 35 ý kiến, kiến nghị.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cử tri đề nghị bổ sung vào mục d, khoản 4, điều 7 cụm từ “Hỗ trợ phát triển các loại hình mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh khai thác đề tài về lịch sử của dân tộc, địa phương, đất nước”. Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, tại khoản 4, điều 51 và khoản 4, điều 56 quy định “Chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 05 năm”. Tuy nhiên, cần xem xét điều chỉnh lại thời gian tối thiểu, vì phụ thuộc vào thời hạn của các chứng chỉ điều kiện liên quan đến xây dựng, nếu không quy định còn thời gian tối thiểu thì các chứng chỉ liên quan đến xây dựng còn hạn rất ít ngày sẽ khó khăn trong việc cấp phép.
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, cử tri đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các nội dung quy định về: Lập quy hoạch cửa khẩu, quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới; lập quy hoạch di tích (công tác lập, thẩm định, phê duyệt); vai trò các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Tại khoản 5, điều 34 dự thảo luật quy định “Các nội dung lấy ý kiến phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này vì sẽ rất vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mâu thuẫn với nội dung công bố quy hoạch tại điều 44 dự thảo luật.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, có quy định “Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản”. Cử tri đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa, bổ sung như sau: “Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản”. Điều 106 quy định về giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tiền đặt cọc. Cử tri đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ về định nghĩa, mức thu tiền đặt cọc...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng cơ bản đồng tình với dự thảo các luật. Đồng thời, đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu kỹ các nội dung luật; tổng hợp kiến nghị, đề xuất bằng văn bản gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình dự án, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị Chính phủ sớm phân bổ các nguồn vốn để tỉnh triển khai thực hiện các chương trình đã được phê duyệt; dự án hồ Ẳng Cang giai đoạn 2; xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu song phương Việt Nam – Trung Quốc (tại lối mở A Pa Chải).
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách ghi nhận, tiếp thu ý kiến cử tri để tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.