ĐBP - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đời sống của đồng bào các dân tộc nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói quanh năm, tỷ lệ mù chữ chiếm hơn 90%. Hậu quả của chiến tranh để lại khá nặng nề, cả vùng lòng chảo Mường Thanh là một bãi chiến trường, đạn pháo cày đổ nát, hoang tàn. Nhưng với tinh thần Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã đoàn kết vượt qua thử thách, phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ, tập trung nâng cao dân trí, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế... đưa Điện Biên vững bước phát triển.
Qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực và quyết tâm cao cùng những giải pháp mang tính đột phá, Điện Biên đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên và đạt những kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được thực hiện nghiêm túc, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ. Trên lĩnh vực kinh tế đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra các vùng kinh tế động lực. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với điều chỉnh cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo… Do vậy tăng trưởng GRDP thuộc nhóm tỉnh đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,77%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2020. Cánh đồng Mường Thanh năm xưa nay đã phì nhiêu, trù phú với thương hiệu “gạo Điện Biên” nổi tiếng khắp muôn nơi. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay. Đến nay toàn tỉnh có 4 xã nông thôn mới nâng cao, 44 xã đạt chuẩn và cơ bản nông thôn mới, 125/129 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm. Công tác giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng. Đặc biệt tỉnh đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà đại đoàn kết cho trên 11.000 hộ gia đình. Đến nay Điện Biên đã cơ bản xoá nhà tạm, nhà dột nát và tiếp tục đầu tư đưa điện sinh hoạt đến các thôn bản chưa có điện để 100% bản, làng vùng cao được “bừng sáng”. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những lúc gặp khó khăn, thách thức nhất, thì ý chí, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tinh thần Điện Biên Phủ được phát huy cao độ. Đó là ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết không chịu khuất phục, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biến thách thức thành cơ hội; vận dụng linh hoạt, sáng tạo bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám và Chiến thắng Điện Biên Phủ vào thực tiễn. Một trong những bài học quý báu đó là phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
Là một tỉnh có 19 dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, cơ cấu chưa hợp lý, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn… Do đó, Đảng bộ tỉnh luôn xác định: Đoàn kết các dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đoàn kết đã trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng. Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt việc thực hiện các chính sách dân tộc như: chính sách cán bộ, chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, xoá đói, giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia… nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Trong công tác cán bộ tỉnh luôn quan tâm đến cơ cấu dân tộc hợp lý nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, do đó từ tỉnh đến cơ sở đều có một đội ngũ cán bộ có cơ cấu dân tộc, trình độ khá hợp lý, tạo sự đoàn kết thống nhất và tin tưởng đồng thuận cao trong triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Là tỉnh nhiều dân tộc, nhiều cư dân của các địa phương gắn bó lâu dài, chung sức, chung lòng xây dựng Điện Biên. Sức mạnh đoàn kết dân tộc còn được thể hiện ở việc vừa phát huy bản sắc văn hoá đa dạng, phong phú của từng dân tộc, vừa tạo dựng bản sắc văn hoá đặc thù của Điện Biên. Truyền thống đoàn kết dân tộc tỉnh Điện Biên đã vượt lên tư tưởng bản vị, cục bộ, hẹp hòi để hình thành nên tư tưởng đạo đức bao dung, độ lượng, chan hoà… Chính truyền thống đoàn kết được thử thách, tôi luyện và phát huy trong Đảng bộ và đồng bào các dân tộc những năm qua đã đem lại sức mạnh ngày càng to lớn để tỉnh vững bước đi lên.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc luôn ý thức tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tinh thần Điện Biên Phủ vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển. Tinh thần đó phải trở thành ý chí, hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, đạo đức, nhân cách, trí tuệ, tư duy năng động và hành động sáng tạo, nêu cao lòng yêu nước, lập nên những kỳ tích mới, những Điện Biên Phủ mới, xây dựng mảnh đất Điện Biên ngày càng giàu đẹp văn minh như mong ước của Bác Hồ kính yêu.