ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Thứ Bảy 16:13 26/10/2024

ĐBP - Chiều nay (26/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Trước bối cảnh trong nước và quốc tế với rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Về những hạn chế, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với miền núi, tuy công nghiệp không phát triển, nhưng chúng tôi cũng gặp áp lực khi vừa phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng phục vụ mục tiêu giảm phát thải, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Tỉnh Điện Biên được giao trên 62% đất lâm nghiệp. Với đặc điểm các tỉnh miền núi có diện tích rộng nhưng trong đó trên 80% là đất đồi núi, chỉ có 15% đất người dân có thể ở và canh tác, sản xuất được nên khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng cũng đã ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của người dân.

Hiện nay, mới có ít địa phương được cấp mua bán tín chỉ các bon. Bắc Kạn với tỷ lệ bao phủ rừng trên 70%, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiếp cận được thị trường tín chỉ các bon. Do đó, kinh phí để bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo cuộc sống của người dân nơi có rừng còn rất nhiều khó khăn. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị Chính phủ quan tâm hơn tới vấn đề này.

Về chương trình tiêm chủng mở rộng, báo cáo của Chính phủ có đánh giá, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch, nguyên nhân là do việc cung ứng vắc xin chưa kịp thời, hiện nay vẫn còn thiếu một số loại vắc xin. Đại biểu cho rằng, điều này có thể làm bùng phát một số bệnh truyền nhiễm, gây hệ luỵ rất lớn. Đề nghị Chính phủ đánh giá thêm nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chưa cung ứng đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, 9 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29%. Về nguyên nhân, trong báo cáo có đánh giá tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong một số trường hợp và một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục hiệu quả. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức chính là hệ thống pháp luật còn có những quy định chưa rõ ràng. Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi”. Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm và có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng này.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên.

Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đại biểu, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng, cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng của Việt Nam như PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là EVN đang trong tình trạng thua lỗ.

Để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi cả về công nghệ và hiệu quả kinh tế, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên.

“Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro (nếu có). Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án” - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.

Về khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật quy định Chính phủ xác định khu vực biển được phép khảo sát, Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện khảo sát. Việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia khảo sát sẽ do Chính phủ quy định chi tiết ở văn bản dưới luật và mọi dữ liệu khảo sát thuộc sở hữu của Nhà nước. Bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án. 

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, khác với các loại hình năng lượng khác, hoạt động khảo sát phục vụ cho việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò rất quan trọng, với thời gian có thể lên tới 2 năm và tổng chi phí hàng chục triệu USD. Chính vì vậy, sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư tư nhân thực hiện hoạt động khảo sát nếu như không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát và cũng không được đảm bảo quyền phát triển dự án sau này.

Quy định này nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của Nhà nước đối với các nguồn dữ liệu về tài nguyên biển. Tuy nhiên, cần tính đến tính khả thi của chính sách và bổ sung những cơ chế đảm bảo quyền lợi, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia hoạt động khảo sát, góp phần tạo nguồn dữ liệu để phát triển ngành. Ví dụ như quy định về quyền phát triển dự án trên khu vực mà nhà đầu tư đã khảo sát, quy định về cơ chế thu hồi chi phí cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát trong trường hợp không được lựa chọn là nhà đầu tư phát triển dự án./.