ĐBP - Chiều nay (25/8), UBND tỉnh tổ chức sơ kết Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), nhằm đánh giá kết quả triển khai Đề án trong 6 tháng đầu năm 2022. Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố.
Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án 06, các cấp, ngành, các địa phương, nòng cốt là Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, Điện Biên đã triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tiếp nhận 101.996 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng hạn 100.549 hồ sơ, quá hạn 1.447 hồ sơ. Lực lượng công an các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 57.552 hồ sơ; toàn tỉnh đã thu nhận 449.528 hồ sơ căn cước công dân (CCCD) đạt 94,4%. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 53.900 hồ sơ CCCD; 202.761 hồ sơ định danh điện tử (đạt 288% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao).
Các nhóm tiện ích phục vụ công dân số, nhóm phục vụ công khai chỉ đạo điều hành; hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư, được tỉnh triển khai chỉ đạo đồng bộ, toàn diện. Trong đó, đã làm sạch và đồng bộ lên hệ thống 655.379 dữ liệu; rà soát, cập nhật, bổ sung 36.655 số CMND 9 số vào hệ thống…
Các đại biểu dự hội nghị đã chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đó là vấn đề công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin mới đạt 32%, nhiều cụm loa bị hỏng. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng dịch vụ viễn thông, internet vùng sâu vùng xa; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; vấn đề thủ tục hành chính liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí mới chỉ thực hiện được ở bước đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Đề án 06 đã đề ra rất nhiều nội dung phải triển khai thực hiện. Do đó, trước mắt cần khẩn trương hoàn thành việc cấp căn cước công dân và định danh điện tử cho 100% nhân khẩu trong độ tuổi trên địa bàn toàn tỉnh; làm sạch dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; áp dụng các biện pháp công nghệ trong việc xác thực thông tin công dân, đặc biệt là thông tin sinh trắc học, từ đó nâng cao hiệu quả, tính chính xác trong việc quản lý dân cư...
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu về Đề án 06; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; khẩn trương có giải pháp làm sạch dữ liệu chuyên ngành theo phương châm lấy thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm trung tâm. UBND các cấp cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo triển khai cấp CCCD và định danh điện tử cho 100% công dân trong độ tuổi trên địa bàn…