ĐBP - Những năm qua, bằng các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và người dân đóng góp, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Song vẫn còn nhiều công trình phai tạm, công trình xuống cấp chưa được đầu tư, nâng cấp sửa chữa kịp thời.
Ðể tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Mường Nhé đã thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như: Chương trình 134/CP, 135/CP, Chương trình 120/CP và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ công tác tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, huy động nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp ngày công, tiền của người dân để xây mới hệ thống kênh mương; trong đó chú trọng tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.
Ðến nay, huyện Mường Nhé đã đầu tư 66 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài tuyến kênh mương, ống dẫn trên 115km. Các công trình sau khi đầu tư, bàn giao cho xã, bản quản lý khai thác, cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất và mở rộng diện tích khai hoang mới.
Trước đây, 20 hộ dân (nhóm hộ gần nhau) tại 3 bản Tả Kố Khừ, Pờ Nhù Khồ và A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do thiếu nước. Năm 2012 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, người dân đã được đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi, qua đó góp phần tăng diện tích sản xuất nông nghiệp lên gần 10ha.
Ông Pờ Pò Xá, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu cho biết: Gia đình có hơn 1,4ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi chưa đầu tư công trình thủy lợi, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tích nước để sản xuất, thậm chí có vụ bỏ hoang do không có nước. Thế nhưng từ khi công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, gia đình tôi và những hộ dân trong vùng đã không phải lo lắng về nước sản xuất.
Không chỉ huyện Mường Nhé, những năm qua các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Huyện Ðiện Biên Ðông gần 140 công trình; Tuần Giáo gần 200 công trình; Tủa Chùa hơn 80 công trình... Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng; gồm 13 hồ chứa nước, 4 trạm bơm điện và thủy luân, gần 700 công trình lấy nước bằng đập dâng, còn lại là các công trình phai tạm. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố quản lý gần 900 công trình; tổng diện tích tưới theo thiết kế khoảng 38.360ha và thực tế tưới hơn 26.230ha. Hầu hết các công trình sau khi đầu tư đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; tăng diện tích tưới cho sản xuất, tạo điều kiện phát triển cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng sản lượng lương thực.
Tuy nhiên, một số công trình do nguồn vốn đầu tư xây dựng còn hạn chế, đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ, công trình mới chỉ được đầu tư hạng mục đầu mối và tuyến chính (các tuyến nhánh và nội đồng chưa được đầu tư) nên khả năng đáp ứng sản xuất nông nghiệp chưa cao, tỷ lệ thất thoát nước lớn. Một số công trình cấp huyện giao cho xã quản lý chưa được kiểm tra, duy tu thường xuyên, hư hỏng không được phát hiện và sửa chữa kịp thời. Phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có diện tích bãi tưới nhỏ, phân bổ rải rác nên việc kiểm tra, sửa chữa rất khó; kinh phí hàng năm dành cho công tác duy tu, sửa chữa còn hạn chế… Do đó, hiện nay toàn tỉnh nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp hoặc dừng hoạt động. Theo thống kê trong tổng số gần 900 công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý, có hơn 100 công trình đã hư hỏng và 376 công trình hoạt động trung bình, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân. Nguyên nhân các công trình thủy lợi bị hư hỏng chủ yếu do thiên tai mưa lũ, sạt lở đất, thời gian sử dụng quá lâu…
Việc đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi cùng với việc khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả sẽ giúp người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ðể nâng cao hiệu quả của các công trình thủy lợi, thời gian tới cần tiếp tục kết hợp lồng ghép các nguồn vốn, từng bước đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi. Ðồng thời, phân bổ hợp lý nguồn kinh phí để tu sửa, xây mới những tuyến kênh mương nội đồng phù hợp. Cùng với công tác đầu tư xây dựng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn, khắc phục kịp thời những hư hỏng, xuống cấp.