ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng loạt dự án phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng kỹ thuật được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Tuy nhiên, vì không có mặt bằng, nhiều dự án, trong đó có cả các dự án trọng điểm của tỉnh vẫn chưa thể triển khai thi công theo kế hoạch hoặc phải tạm dừng thi công. Việc chậm triển khai thi công không những ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án, mà còn làm giảm hiệu quả đầu tư, nguồn lực của tỉnh và niềm tin của nhà đầu tư.
Dự án Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (gọi tắt Dự án Ðường động lực) do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ 2021 - 2024. Dự án được triển khai trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, với tổng số hơn 1.600 hộ dân (chủ yếu trên địa bàn huyện Ðiện Biên) có đất và tài sản trên đất phải thu hồi, bồi thường, GPMB. Dự án được chia 11 gói thầu xây lắp. Sau gần 2 năm khởi công (tháng 1/2022) đến nay, nhiều gói thầu vẫn chưa thể thi công vì không có mặt bằng. Theo kế hoạch, thời hạn thi công dự án chỉ còn hơn 1 năm là phải hoàn thành nhưng tiến độ đang chậm. Từ tháng 6/2023 đến nay, gần như các gói thầu không thể thi công được phần việc nào vì thiếu mặt bằng.
Theo đó, gói thầu số 4, 5 và 6 (tuyến NT2+NT3+NT4+NT5 trong khu vực trung tâm hành chính chính trị tỉnh và tuyến NT6 Pom La), hiện tại chưa có mặt bằng thi công (riêng gói 6 có khoảng 10% mặt bằng nhưng bị ngắt quãng, không đồng bộ không thể di chuyển máy móc, thiết bị vào thi công). Các nhà thầu xây lắp đã cơ bản sản xuất xong các cấu kiện bê tông đúc sẵn như: Bó vỉa, đế cống, ống cống, rãnh hộp, hào kỹ thuật... nhưng không thi công được do chưa được bàn giao mặt bằng. Từ gói thầu số 7 đến gói thầu số 10, đã giải phóng được một phần mặt bằng nhưng ngắt quãng, không đáng kể nên nhà thầu không triển khai thi công.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do công tác xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai để lại. Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất rất phức tạp như: Chủ sử dụng đất, loại đất, ranh giới sử dụng đất, hình thể các thửa đất so với giấy chứng nhận (giấy chứng nhận cấp sai, sổ địa chính vào sổ không đúng nên phải điều chỉnh, đính chính lại), tranh chấp đất đai. Do vậy, khi triển khai hoàn thiện hồ sơ đất đai và thực hiện theo đúng quy chế thì gặp rất nhiều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian. Khối lượng công việc chuyển về UBND các phường, xã là rất lớn, trong khi đó cán bộ địa chính ít hoặc mới luân chuyển đến cần thời gian để tiếp quản công việc, dẫn đến tiến độ lập phương án còn rất chậm. Bên cạnh đó có một số hộ dân chưa hợp tác, một số hộ dân đã chuyển nơi ở về quê gây khó khăn trong công tác củng cố hồ sơ pháp lý. Nhiều hộ dân chưa nhất trí với phương án đền bù, bồi thường khi thu hồi đất.
Chưa có mặt bằng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến Dự án Khu đô thị mới và dịch vụ thương mại Nam Thanh B đến nay vẫn chưa thể triển khai thi công dù đã được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực dọc trục đường Võ Nguyên Giáp đến sông Nậm Rốm thuộc phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ và khu vực phía Tây sông Nậm Rốm thuộc xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên. Công tác bồi thường, GPMB thuộc dự án này theo quy hoạch chi tiết đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3394/QÐ-UBND ngày 31/12/2021 (trong đó, quy mô thực hiện GPMB bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên diện tích hơn 4,88ha tại phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư hơn 30,8 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong năm 2022).
Ðể đẩy nhanh tiến độ GPMB, Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng thuê Trung tâm Quản lý đất đai TP. Ðiện Biên Phủ thực hiện bồi thường GPMB, đồng thời thường xuyên phối hợp, đôn đốc triển khai thực GPMB. Ðến nay (đầu tháng 9/2023) đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 57/66 hộ gia đình, cá nhân, diện tích 4,26ha/4,88ha, với giá trị 18,6 tỷ đồng. Phối hợp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền 6,39 tỷ đồng/9,35 tỷ đồng. Còn 9 hộ gia đình với diện tích hơn 0,32ha hiện đang hoàn thiện dự thảo phương án để xin ý kiến các phòng, ban chuyên môn TP. Ðiện Biên Phủ.
Nguyên nhân do nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm tạo lập tài sản (nhà ở) chưa đúng so với bản đồ quy chủ qua các thời kỳ. Còn 41 hộ gia đình chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Ðối với các hộ (15 hộ) thu hồi trên 1.000m2 đất và là các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (canh tác, sử dụng, có nguồn thu nhập chính từ mảnh đất bị thu hồi) đề nghị Nhà nước giao 1 suất đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Cùng đó, nâng đơn giá bồi thường; tính toán lại đền bù phần tài sản bị ảnh hưởng (nằm ngoài mốc), phần cải tạo, san lấp mặt bằng của người dân; phần tài sản (nhà ở, vật kiến trúc) đã bị thu hồi 1 phần vào Dự án Ðường A1 - C4, phần còn lại người dân tự xây dựng, cải tạo mới lại để ở đề nghị xem xét bồi thường cho người dân. Ðể đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP. Ðiện Biên Phủ, phường Nam Thanh tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất phương án giải quyết. Ðồng thời, kiến nghị lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu dân cư đô thị mới và dịch vụ thương mại Nam Thanh B theo quy định và rà soát quỹ đất thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 để bố trí tái định cư, giao đất có thu tiền cho một số hộ dân thuộc Dự án Nam Thanh B.
Cùng với 2 dự án trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án chậm tiến độ hoặc chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng.
Việc chậm tiến độ các dự án gây lãng phí ngân sách, đặc biệt tại một số dự án có nguồn vốn kéo dài nếu không sớm thực hiện có nguy cơ phải trả lại vốn. Bên cạnh đó, các dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực đất đai và cuộc sống người dân vùng dự án, nhất là đối với những dự án có nhiều hộ dân, cá nhân bị thu hồi đất.