Đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng

Thứ Hai 6:53 16/05/2022

ĐBP - Bước vào mùa nắng nóng năm 2022, dự kiến trên địa bàn tỉnh hiện tượng nắng nóng có thể kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến, nguy cơ quá tải lưới điện và thiếu hụt nguồn điện là hiện hữu. Để đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng, Công ty Điện lực Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống quá tải, thực hiện rửa sứ hotline cũng như đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện tới các khách hàng sử dụng điện.

Công nhân điện lực rửa sứ hotline trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

4 tháng đầu năm, Công ty Điện lực Điện Biên đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong toàn tỉnh. Trong đó, tổng sản lượng điện nhận toàn hệ thống đạt 100.064.351kWh (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021); công suất Pmax = 75,89MW (thời điểm 17h00 ngày 22/3/2022) tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý II/2022 là thời gian cao điểm của mùa khô và căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống. Trong khi đó, hiện nay dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng trở lại dự báo sẽ khiến việc cung cấp điện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt căng thẳng trong mùa nóng.

Thực tế năm 2021, vào những tháng nắng nóng như tháng 6, thời tiết cực đoan, công suất hệ thống điện miền Bắc nói chung có thể phải tiết giảm lên tới 2.100MW, tương đương khoảng 18% tổng công suất khu vực miền Bắc, tỉnh Điện Biên trong trường hợp xấu nhất có thể phải tiết giảm 19MW. Trước tình hình đó, để đảm bảo cung ứng đủ điện và chống quá tải mùa nắng nóng, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Công ty Điện lực Điện Biên đã đầu tư 6 dự án xây dựng, cải tạo đường dây và trạm biến áp. Trong đó, cải tạo, xây dựng mới 21,5km đường dây trung thế; 47,8km đường dây hạ thế; xây dựng mới 44 trạm biến áp… với tổng mức đầu tư hơn 67,8 tỷ đồng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống quá tải mùa nắng nóng, thời gian qua, Công ty đã đồng hành cùng các đơn vị tư vấn thiết kế lựa chọn vị trí tối ưu, tận dụng tối đa nguồn vốn của dự án. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đơn vị thi công đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công. Nhờ đó, trong quá trình triển khai các dự án luôn đảm bảo hoàn thành tiến độ đề ra; các trạm biến áp mới đi vào vận hành sẽ góp phần chống quá tải lưới điện trên địa bàn tỉnh trong mùa nắng nóng. Từ đó, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, điện lực các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kịch bản chống quá tải mùa nắng nóng và sẵn sàng triển khai, trong đó công tác đầu tư xây dựng trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp đường dây được tập trung triển khai quyết liệt. Ông Lê Bá Dũng, Giám đốc Điện lực Mường Nhé cho biết: Tính đến thời điểm 30/4, Điện lực Mường Nhé đã thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng các hạng mục công trình xây dựng mới 2,962km ĐZ trung thế 35kV, 11,874km ĐZ hạ thế 0,4kV; cải tạo 3,88km ĐZ hạ thế 0,4k và lắp đặt 10 TBA đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng thi công. Còn với địa bàn TP. Điện Biên Phủ, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với tinh thần khẩn trương, Điện lực thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công trong khâu giải phóng mặt bằng, phối hợp đăng ký cắt điện khoa học, thực hiện nhiều công việc trên lưới điện khi tiến hành cắt điện, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị, máy móc nhanh chóng hoàn thành công trình sẽ đảm bảo đóng điện phục vụ trong mùa nắng nóng năm 2022.

Công ty Điện lực Điện Biên còn thực hiện rửa sứ hotline 246 phiên gồm 141 TBA trung thế và 451 vị trí cột trung thế và 27 ngăn lộ TB 110kV ngoài trời. Đặc biệt, là đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện tới các khách hàng để chủ động nắm bắt thông tin sử dụng điện và giám sát chỉ số công tơ như: Ứng dụng chăm sóc khách hàng, web chăm sóc khách hàng, công cụ ước tính điện năng tiêu thụ, công cụ tính toán tiền điện. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của khách hàng, tư vấn cho khách hàng theo từng đối tượng (cơ quan công sở, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình).