Từ ngày 10 đến 13-11, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh (Campuchia). Chuỗi hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết, vai trò chung của ASEAN, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược của khu vực và thế giới nhằm chung tay ứng phó với các thách thức...
Diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn, hội nghị lần này mang chủ đề “ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức”. Những trọng tâm thảo luận gồm: Hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực, nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác lớn.
Dự kiến sẽ có hơn 20 hội nghị, hoạt động với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và 10 đối tác, như: Hội nghị Cấp cao ASEAN 1, ASEAN 3, Cấp cao Đông Á (EAS), Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ hai... Dịp này, ASEAN cũng dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Hoa Kỳ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước cũng dự kiến thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu chia sẻ quan điểm, lập trường cũng như các đề xuất của Việt Nam.
Nói về chuỗi hội nghị lần này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tới 3 ý nghĩa rất đặc biệt. Thứ nhất, đây là dịp gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo ASEAN với các đối tác sau gần 3 năm có dịch Covid-19. Thứ hai, các diễn biến phức tạp gần đây trong khu vực và toàn cầu đang rất cần được các nhà lãnh đạo ASEAN và thế giới thảo luận, tìm ra giải pháp thỏa đáng nhằm sớm khôi phục kinh tế, giải quyết các tình huống khủng hoảng an ninh hiện nay. Thứ ba, qua các hội nghị, ASEAN không chỉ tiếp tục thúc đẩy củng cố cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, gắn kết trong nội khối mà còn thảo luận, xác định các động lực mới, hướng đi mới, giải pháp mới để khu vực Đông Nam Á tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn, tính năng động và tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững...
Giới quan sát cho rằng, sự tham gia của Việt Nam lần này sẽ nối dài những đóng góp của nước ta vào công việc chung của cộng đồng khu vực. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia cũng như các thành viên khác của ASEAN, các nước khác, bảo đảm hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác; xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề của ASEAN phải đối diện; đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Nhiều ý kiến quan sát cũng cho rằng, với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò “cầu nối”, giúp thu hẹp khác biệt giữa các nước ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Đây là một truyền thống của đối ngoại Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “nền ngoại giao cây tre Việt Nam”, đó là sự linh hoạt trong nguyên tắc và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp hiện nay.
Có thể thấy, việc tổ chức thành công các hội nghị lần này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như khả năng đóng góp vào nỗ lực giải quyết các vấn đề chung, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.