Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 - 24/1/2024.
Chuyến thăm được đánh giá là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam - CHLB Đức và là minh chứng cho thấy thành công liên tiếp của đường lối “ngoại giao cây tre” của Chính phủ Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, chuyến thăm của Tổng thống Đức đến Việt Nam diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm này lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn là sự khẳng định của Chính phủ Đức rằng, Việt Nam là đối tác chiến lược, có vị thế mới.
Một trong những nền tảng rất quan trọng trong quan hệ song phương Đức-Việt là hợp tác thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình nghị sự 2030. Đức ủng hộ “Chiến lược Tăng trưởng Xanh” của Chính phủ Việt Nam và đóng góp cho Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nhằm “khai mở” nguồn tài chính để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững.
Bên cạnh đó, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước là một câu chuyện thành công thực sự. Cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Schulze khẳng định trong Liên minh châu Âu (EU), Đức cho đến nay là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Tương tự như vậy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại ASEAN. Ở cấp độ song phương, đào tạo nghề sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Ở cấp độ quốc tế, cả hai nước cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong các tổ chức của Liên hợp quốc. Cùng trao đổi về những thách thức quốc tế sẽ là kịch bản đôi bên cùng có lợi.
Cộng đồng người Việt gốc Việt tại CHLB Đức kỳ vọng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nổi tiếng ở Đức tháp tùng Tổng thống Liên bang Đức tới Việt Nam sẽ ký được nhiều văn bản thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, khoa học-công nghệ, kinh tế, văn hoá, du lịch… Họ cũng kỳ vọng rằng, những tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai nước sẽ được khai thác tốt hơn nữa, giúp cho quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nhà nước sâu rộng hơn và đi vào chiều sâu, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của Việt Nam và CHLB Đức, góp phần vun đắp hoà bình, trật tự, ổn định trong khu vực và trên thế giới.