Khám phá Dinh thự Đèo Văn Long

Thứ Sáu 15:19 15/04/2022

Được mệnh danh là cái nôi và văn hóa Thái, trong lịch sử hình thành hơn 100 năm của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, hơn nửa thế kỷ vùng đất này nằm dưới quyền cai trị của cha con họ Đèo. Hiện nay khu di tích ghi dấu thời thống khổ của Nhân dân vùng ngã ba sông Đà vẫn còn hiện hữu. Đó là Dinh thự Đèo Văn Long.

Một phần phế tích dinh thự Đèo Văn Long ngày nay.

Dinh thự Đèo Văn Long nằm cách thành phố Lai Châu 102km về phía Tây Bắc, theo các con đường: quốc lộ 12 và tỉnh lộ 127 hay đi thuyền ngược sông Đà từ thượng nguồn xuống, khu dinh thự nằm trên địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn). Theo kết quả khảo sát năm 1983 của Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Lai Châu thì công trình này được bắt đầu xây dựng từ năm 1916. Các tư liệu để lại về dinh thự và gia tộc họ Đèo tuy còn rất sơ khai, nhưng đều cho rằng tất cả các công việc chọn hướng, chọn vị trí đặt cổng chính, miếu thờ, nhà Đẳm (nhà thờ tổ tiên) đều được gia tộc họ Đèo thuê thầy địa lí xem xét cẩn thận. Hai kiến trúc sư một người Pháp, một người Trung Quốc được mời về để thiết kế và giám sát, vật liệu được đưa lên từ các tỉnh miền xuôi. Vì vậy, kiến trúc khu dinh thự mang đường nét phương Tây hòa quyện dáng dấp phương Đông, đồng thời là đặc trưng của nghệ thuật xây dựng và phong thuỷ của người Thái.

Dinh thự có diện tích chừng hơn 1ha, do nhu cầu phòng thủ, đón tiếp các quan chức Chính phủ Đông Dương và để thoả mãn lối sống xa hoa của mình, họ Đèo đã tập trung dân phu, binh lực, thợ thuyền cho việc xây dựng quần thể dinh thự, đặt tại một vị trí hiểm yếu, nằm ở ngã ba nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Còn sau lưng dinh thự là núi cao, trước mặt là ngã ba sông (sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay) có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Mường Tè và xuôi về Hòa Bình, Sơn La, cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào, địa thế hợp cho việc phòng thủ và chống lại quân địch, nếu thất bại có thể rút lui an toàn.

Năm 1918, khu dinh thự đã hoàn thành với 8 đơn nguyên chính là: Cổng chính, nhà Đẳm, nhà ăn, nhà xoè, tháp nước, hầm nhốt phạm nhân, miếu thờ ma rừng và một nhà nữa có mặt hình chữ L (chưa rõ mục đích sử dụng). Ngoài ra, còn một số công trình bổ trợ khác như tường bao, cổng phụ, đường xe dẫn lên cổng chính, bậc thềm dài và hẹp dẫn xuống hầm nhốt phạm nhân, kho thóc, bến thuyền, nghĩa địa. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ, mái lợp ngói được tách ra từ những phiến đá, thường được gọi là đá đen (lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá sẽ cứng như sành). Xung quanh lâu đài là bức tường thành cao trên 3m, được xây bằng đá phiến dày 40-50cm, rất vững chãi, trên tường có nhiều lỗ châu mai quan sát phía bên ngoài. Trước khu nhà chính có khoảng sân rộng để múa xoè khi Đèo Văn Long tổ chức tiệc tùng, tiếp khách. Có thể nói quần thể dinh thự là một “pháo đài bất khả xâm phạm” của vua Thái.

Nói đến Đèo Văn Long là con thứ của Đèo Văn Trị và là một lãnh chúa của Khu tự trị Thái ở Liên bang Đông Dương. Gia đình họ Đèo vốn xuất thân từ một dòng dõi quý tộc tại Vân Nam (Trung Quốc), họ không phải những người phản động mà đã cùng nhau chung sống hòa thuận trên mảnh đất Lai Châu từ rất lâu. Những năm cuối thế kỉ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, dòng họ Đèo đã sát cánh cùng nghĩa quân Cờ Đen trấn giữ Sơn Tây và lập được nhiều chiến công. Thế nhưng sau những tổn thất khá lớn ở trận quyết chiến cùng sự nghi kị, thiếu thống nhất trong nội bộ, Đèo Văn Trị đã kí vào bản hiệp ước ngừng bắn vĩnh viễn với quân Pháp. Được Chính phủ Pháp bảo hộ, hậu thuẫn về tiền bạc và vũ khí, Pháp khôi phục cho Đèo Văn Trị cai quản vùng đất Sipsong Chuthai (12 xứ thái). Năm 1908, Đèo Văn Trị mất, trao lại quyền binh cho con là Đèo Văn Kháng, sau đó Kháng chết, Đèo Văn Long thay anh trai lên nắm quyền. Từ đây, với bản chất là kẻ tàn bạo, Đèo Văn Long gieo rắc bao nỗi khiếp sợ cho Nhân dân trong vùng.

Bà L.T.P (nay ở phường Đoàn Kết, thành Phố Lai Châu), là con gái một người lính của Đèo Văn Long ngày trước nhớ lại những câu chuyện hồi bé được cha mình kể lại, bà chia sẻ: “Ngày xưa, cứ là thanh niên trong bản đều bị bắt đi làm lính hết, người nào chống đối thì sẽ bị cực hình, lấy ngựa kéo đi, gia đình đó cũng sẽ bị thu hồi ruộng nương không cho làm ăn gì nữa. Gái xòe thời đó thường có rất nhiều vàng, nếu trong đội múa xòe hoặc con gái đẹp trong bản, thấy ưng ai, Đèo Văn Long sẽ gọi đến để hầu hạ, nếu không thuận thì lấy bao tải chụp bắt về hoặc siết nợ gia đình đấy. Vì vậy, ông có rất nhiều vợ, 12 bà vợ. Còn người nào tham gia Việt Minh, Đèo Văn Long sẽ trừng trị thẳng tay”.

Ngoài việc cho quân lính đi cướp bóc vơ vét của cải của Nhân dân trong vùng, vua Thái còn đóng những chiếc thuyền lớn, lấy sông Đà làm trục giao thông chính chở lâm thổ sản mà hắn đã cướp được của Nhân dân địa phương mang xuống miền xuôi bán như: thuốc phiện, da hổ, da báo, mật gấu,… sau đó chở hàng hóa lên bán cho người dân địa phương. Sau giải phóng thị trấn Lai Châu (1952), Đèo Văn Long chạy sang Pháp lưu vong, dinh thự bị người dân phá hủy. Đến nay toàn bộ khu dinh thự đã trở thành phế tích, nhiều công trình bị mất hoàn toàn không thể xác định được hình dáng kiến trúc ban đầu.

Năm 1980, dinh thự Đèo Văn Long được UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và nằm trong kế hoạch phục dựng, song vẫn còn gặp không ít khó khăn và phức tạp về nhiều mặt, nhân chứng hiểu biết về dinh thự còn lại quá ít và thậm chí, có người tỏ ra rụt rè không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên từ năm 2010, công trình thủy điện Sơn La tích nước, một phần khu dinh thự của Đèo Văn Long bị chìm vĩnh viễn xuống lòng sông chỉ còn lại một ít phế tích.