Trồng, chăm sóc cây hoa ban phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế

Thứ Bảy 6:32 01/07/2023

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Bảo vệ và phát triển cây hoa ban, cây hoa anh đào trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch mở rộng diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ cây hoa ban nhằm góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện nghị quyết còn nhiều tồn tại, vướng mắc; nhất là việc trồng cây hoa ban tập trung đạt rất thấp; khó cân đối bố trí kinh phí thực hiện... nên chưa thu hút, khuyến khích người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Khách du lịch chụp ảnh với hoa ban khu vực Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhiều hạn chế

Qua nhiều năm tổ chức thành công “Lễ hội Hoa Ban”, hình ảnh cây hoa ban và nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào các dân tộc Điện Biên ngày càng được quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế. Xác định là chủ trương đúng đắn góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển, ngay sau khi Nghị quyết số 17-NQ/TU được ban hành, huyện Điện Biên đã xây dựng, ban hành kế hoạch trồng, chăm sóc cây hoa ban trên địa bàn huyện. Các phòng, ban, đơn vị và các xã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc phát triển cây hoa ban đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện. Được giao chỉ tiêu trồng tập trung 100ha, huyện Điện Biên đã cân đối, bố trí hơn 490 triệu đồng từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng tập trung đạt rất thấp với 7,14ha cây hoa ban (đạt 8,9% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2022 và 7,14% so với tổng chỉ tiêu được giao). Trong đó, năm 2021, 2022 huyện không thực hiện trồng tập trung loài cây này. Đặc biệt hiện nay tại xã Thanh Nưa có khoảng 2,99ha cây hoa ban sinh trưởng kém do người dân chăn thả gia súc trong khu vực trồng.

Tình trạng cây hoa ban trồng tập trung sinh trưởng kém do người dân chăn thả gia súc trong khu vực trồng cũng xảy ra trên địa bàn huyện Tủa Chùa với khoảng 7,32/14,66ha. Còn với một số huyện dù được giao chỉ tiêu trồng cây ban tập trung như: Tuần Giáo được giao trồng 50ha, Mường Ảng được giao trồng 30ha song đến nay vẫn chưa cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực tế, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU có nhiều tồn tại, hạn chế. Nhất là huy động, bố trí kinh phí để thực hiện trồng cây hoa ban tập trung chưa được các địa phương quan tâm. Đến nay, chỉ có 2/5 huyện (Tủa Chùa, Điện Biên) đã bố trí kinh phí thực hiện chỉ tiêu trồng cây hoa ban tập trung. Tuy nhiên khối lượng thực hiện còn hạn chế, chưa đảm bảo theo chỉ tiêu được giao; công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây tại một số địa điểm trồng chưa tốt dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo. Mặc dù, các địa phương cũng tổ chức rà soát các diện tích cây hoa ban để quản lý, bảo vệ song đến nay chưa có địa phương nào thực hiện việc lập hồ sơ hỗ trợ theo dự án được phê duyệt để người dân được hưởng chính sách hỗ trợ, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ cây hoa ban. Hay vướng mắc tại TP. Điện Biên Phủ là đa số các đồi di tích trên địa bàn đang có cây trồng của người dân sống quanh (chủ yếu là người dân tự trồng trước thời điểm quy hoạch đồi di tích). Do đó, việc chặt hạ các cây trồng trên để trồng thay thế bằng cây hoa ban phải có sự thỏa thuận, thống nhất, bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ với người dân.

Cần kịp thời khắc phục

Theo Nghị quyết số 17-NQ/TU, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 bảo vệ và phát triển 400ha rừng hoa ban tự nhiên và trồng mới 30.000 cây hoa ban; đến năm 2025, tổng diện tích cây hoa ban tự nhiên được bảo vệ và phát triển là 1.500ha. Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, UBND các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ và Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng đã tổ chức rà soát 960ha rừng tập trung cây hoa ban tự nhiên để quản lý, bảo vệ (đạt 99% so với chỉ tiêu được giao); huy động kinh phí từ nguồn xã hội hoá, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách được giao là 12,8 tỷ đồng thực hiện trồng mới 10.443 cây hoa ban phân tán.

Nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương, đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU tại một số địa phương.

Qua kiểm tra cho thấy cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo (chủ yếu vẫn chỉ dừng ở việc ban hành các văn bản chỉ đạo); chưa chủ động huy động, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện lập hồ sơ bảo vệ các diện tích tập trung cây hoa ban để người dân được hưởng chính sách. Ngoài ra, nguồn ngân sách của tỉnh cũng như ngân sách được cấp hàng năm của các địa phương hạn chế, trong khi đó các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp rất nhiều. Do vậy gặp khó khăn trong cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển cây hoa ban đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, người dân tại một số địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, chưa nhận thức được lợi ích của việc bảo vệ và phát triển cây hoa ban để phát triển du lịch, tăng thêm thu nhập nên chưa đồng thuận tham gia thực hiện dự án. Ngoài ra, ý thức, trách nhiệm của một số hộ nhận khoán trồng hoa ban còn kém; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn của các địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời dẫn đến một số diện tích trồng cây hoa ban bị gia súc phá hoại, sinh trưởng kém.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU. Việc phát triển cây hoa ban là nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp cần chung tay thực hiện một cách nghiêm túc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.