ĐBP - Đến thời điểm này, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thêm 6 tỉnh, thành quyết định lùi thời gian học trực tiếp do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngay với tỉnh Điện Biên, sau nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, học sinh các bậc học đi học trở lại từ ngày 7/2 song do xuất hiện nhiều trường hợp F0, F1 là giáo viên, nhân viên và học sinh nên một số trường đã phải điều chỉnh hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp song song hai hình thức. Từ ngày 22/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã nhất trí cho học sinh 18 trường học từ bậc mầm non đến THCS ở TP. Điện Biên Phủ và 8 trường học thuộc huyện Mường Ảng dừng đến trường học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các trường học đang dạy trực tiếp hiện nay vẫn bị động về phương án dạy và học khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp lại thêm các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong trường học.
Vậy phải có phương án, giải pháp nào để học sinh đến trường an toàn?
Cũng từ tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 22/2, việc dạy học trực tiếp trong toàn quốc như sau: bậc mầm non có 50 tỉnh, thành; bậc tiểu học có 52 tỉnh, thành; bậc THCS có 59 tỉnh, thành và bậc THPT có 62 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành chưa tổ chức dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp. Điện Biên vẫn là tỉnh duy trì việc dạy học trực tiếp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Việc học sinh đến trường học trực tiếp nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên và học sinh, nhất là thời gian qua, Điện Biên chưa phải là “điểm nóng” về dịch Covid-19. Vì vậy, sau thời gian nghỉ tết, hầu hết học sinh trở lại trường học với tâm thế phấn khởi; các trường cũng điều chỉnh chương trình, tập trung giảng dạy các môn học chính để đảm bảo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, kể từ sau kỳ nghỉ tết, trên địa bàn tỉnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc ngày càng tăng, nhiều ca trong cộng đồng. Tỷ lệ học sinh là F1 rồi F0 gia tăng, lo ngại nhất là các cháu ở bậc mầm non đến lớp 6 khi chưa được tiêm vắc xin. Chỉ tính từ thời điểm đi học trở lại sau nghỉ tết, từ ngày 7/2 đến ngày 20/2 toàn tỉnh đã có 734 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh mắc Covid-19; trong đó 646 trường hợp là học sinh sinh viên. Thế nên nhiều phụ huynh vẫn thấp thỏm khi cho con em đến trường trong tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng.
Các trường học cũng chủ động và linh hoạt điều chỉnh hình thức dạy học cho phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Nhiều trường học phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Nguồn lây nhiễm bệnh có thể không phải từ trong trường học nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp xúc, lây nhiễm từ gia đình, cộng đồng đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khi học sinh đến trường. Các giải pháp đối phó với tình hình dịch bệnh đã được các trường học áp dụng từ đầu năm học như: đo thân nhiệt và sát khuẩn thường xuyên, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không ra chơi tập trung, tan học cách nhau giữa các khối lớp…
Việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã được các trường học triển khai song để tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh thì vắc xin vẫn là “chìa khóa” giúp trường học an toàn trước dịch Covid-19. Đặc biệt, với trẻ từ 5 đến 11 tuổi cần sớm triển khai tiêm vắc xin cho trẻ để tăng miễn dịch cộng đồng và hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh khi học sinh đến trường. Mới đây, ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 170 chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi được cung ứng vắc xin.
Rõ ràng, việc tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp là rất quan trọng không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục mà còn giúp phụ huynh yên tâm làm việc, công tác, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Vậy nên, cùng với sự vào cuộc quyết tâm, trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương; sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo và nhà trường cần thêm sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh, học sinh trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để học sinh được tới trường an toàn. Đây sẽ là giải pháp phù hợp để học sinh trở lại trường an toàn theo tinh thần thích ứng linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.