Tuyển sinh 2023: Sẽ loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu hệ thống

Thứ Tư 15:34 30/11/2022

Công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo xã hội không còn nhu cầu và những ngành mới đào tạo thí điểm nhưng kém hiệu quả.

 

Ngày 30/11, thông tin về công tác tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD & ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, nhưng sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển. 

Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống xét tuyển và gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin thêm, năm 2022 có 204 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học; 104 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo chỉ có dưới 10% thí sinh nhập học so với chỉ tiêu.

"Nhìn vào con số này có thể thấy nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, do đó, năm tới đây sẽ kiên quyết loại bỏ các phương thức này", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Thông tin từ phía Bộ GD&ĐT cũng cho biết, năm 2023 Bộ sẽ xem xét, có thể không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà quy định tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT  -  xét tuyển đợt 1, đồng thời Bộ cũng sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để giảm căng thẳng cho thí sinh; yêu cầu các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh 2023, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Bộ sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.

Tuyển sinh 2023 sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật tránh gây rắc rối cho thí sinh.

Trả lời câu hỏi của PV về việc, trong năm 2022, có nhiều ngành chỉ tuyển được rất ít thí sinh, vậy tình trạng này sẽ được giải quyết như thế nào ở năm 2023? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, Bộ GD & ĐT sẽ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; đồng thời Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo mà xã hội không còn nhu cầu và những ngành mới đào tạo thí điểm nhưng kém hiệu quả.

"Sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đồng thời đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và qua đó nâng cao chất lượng đào tạo đại học", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ quan điểm và cho biết thêm, Bộ GD & ĐT sẽ kết nối cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các cơ sở đào tạo về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.

Bộ GD & ĐT sẽ  hoàn thiện xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao; trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao. Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực  của đất nước...