Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.
Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...". Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".
Giờ học môn tiếng Anh của cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: TL |
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh ngày càng được quan tâm không chỉ với những cơ sở giáo dục mà lan tỏa tính tích cực đến với học sinh, phụ huynh bởi đều nhận thức được rằng ngôn ngữ này sẽ trở thành một công cụ trong tương lai chứ không chỉ là một môn học đơn thuần. Tuy vậy, để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Nhận định về thực trạng dạy và học tiếng Anh ở các trường học hiện nay, các chuyên gia cho rằng, vị thế của môn học dù đã được tăng đáng kể với bước chuyển vượt bậc, nhưng môn tiếng Anh nói riêng và môn học ngoại ngữ nói chung vẫn là “điểm trũng” của đa số học sinh tại các địa phương, đặc biệt là miền núi, dân tộc.
Kết quả thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây cho thấy, dù điểm thi trung bình đã được cải thiện, song vẫn là môn có số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất so với các môn thi khác, đặc biệt có sự phân hóa lớn theo khu vực, tỉnh thành. Trong khi ở các tỉnh, thành phố lớn, việc học tiếng Anh và thi các chứng chỉ ngoại ngữ trở thành phong trào nở rộ, thì ở các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất cũng như học sinh chưa được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới.
Cùng với vấn đề thiếu giáo viên, nhận thức của học sinh cũng đang là trở ngại trong việc dạy và học ngoại ngữ. Thực tế cho thấy, việc học tiếng Anh của nhiều học sinh vẫn còn nặng tư duy điểm số, học để thi, học sinh có thể thi được điểm cao về ngữ pháp nhưng lại chưa tự tin giao tiếp như một ngôn ngữ thứ 2.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, thì cần phải có lộ trình nhất định, trong đó cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng thời kèm theo đó là những đề án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách... thì có thể thực hiện được. Ngoài ra, cũng phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia xem xét tăng cường tối đa việc tham khảo, sử dụng các chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế cho Việt Nam, hợp tác để mời thêm giáo viên Việt kiều và các nước", GS.TSKH Trần Văn Nhung đề xuất.
GS.TSKH Trần Văn Nhung cho hay, ngôn ngữ là công cụ phục vụ việc dạy và học, sinh hoạt, giao tiếp, làm việc. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động. Đồng thời, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.
Còn theo PGS.TS Trần Kiêm Minh - Trưởng khoa Toán học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), điều kiện quan trọng đầu tiên để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là chính sách và hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước cần thể chế hóa bằng các chính sách pháp lý hướng đến mục tiêu trên, đi kèm hỗ trợ về nguồn lực. Cùng đó là bảo đảm số lượng giáo viên tiếng Anh và giáo viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Có chương trình, sách giáo khoa, tài liệu học tập phù hợp. Trước mắt, đối với các môn Toán và Khoa học tự nhiên, cần tài liệu học tập song ngữ và thúc đẩy giảng dạy những môn học này bằng tiếng Anh ở nhà trường.
Đi kèm với đó là môi trường học tập, chính sách khuyến khích và tạo động lực, thúc đẩy giao lưu văn hóa với các nước nói tiếng Anh để hội nhập quốc tế trong giới trẻ. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách dài hạn, rõ ràng, lộ trình, có những điểm mốc chiến lược để triển khai mục tiêu và bảo đảm phát triển bền vững
PGS.TS Trần Kiêm Minh chia sẻ: Kể từ năm 2012, Khoa Toán học - Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) đã thực hiện chương trình đào tạo cử nhân sư phạm toán giảng dạy bằng tiếng Anh. Khoa là đơn vị tiên phong trong cả nước đào tạo giáo viên dạy toán phổ thông bằng tiếng Anh. Qua 12 năm triển khai, đến nay nhiều sinh viên tốt nghiệp đã và đang dạy toán bằng tiếng Anh bậc phổ thông cho các trường chất lượng cao, trường quốc tế, trường song ngữ trên cả nước.
Kinh nghiệm hữu ích nhất mà PGS.TS Trần Kiêm Minh rút ra được cho đến nay là tinh thần quyết tâm thực hiện với phương châm “cứ đi rồi sẽ đến”. “Chúng tôi đã triển khai dần dần, môn học nào đảm bảo được việc giảng dạy bằng tiếng Anh thì triển khai trước, sau đó mở rộng dần số lượng. Đến nay, chúng tôi thực hiện giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với các môn chuyên ngành trong chương trình đào tạo”, PGS.TS Trần Kiêm Minh bày tỏ.
Là giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, cô Thu Hà (trường THCS An Tảo, TP. Hưng Yên) chia sẻ, để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, quan trọng nhất là phát triển chuyên môn, đào tạo đội ngũ giáo viên cốt cán bằng cách chủ động tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và đào tạo từ xa để cập nhật phương pháp giảng dạy mới, nâng cao kỹ năng cá nhân và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp cùng đồng nghiệp để cải thiện phương pháp dạy học bằng những bài giảng trực quan, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với học sinh và điều kiện địa phương, nhà trường. Thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng thiên về kỹ năng thay vì chỉ tập trung vào kiến thức ngôn ngữ để học sinh nhận thấy được hiệu quả của chương trình mà cơ bản nhất là nghe và nói được tiếng Anh theo năng lực của mình.
Đi kèm với đó là xây dựng môi trường, phong trào học tiếng Anh gắn với những hoạt động giáo dục trong nhà trường, khuyến khích các em học tiếng Anh từ nhỏ, xây dựng tình yêu ngôn ngữ và giúp các em hiểu được lợi ích của việc sử dụng tiếng Anh, để học sinh không cảm thấy “sợ” môn Anh văn. Đó là những việc cần để tạo một bước đột phá trong công tác chuyên môn của việc dạy và học tiếng Anh.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp, nói về tầm quan trọng của ngoại ngữ, mới đây tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Đồng thời cho hay, Vingroup, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa. "Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo “cần câu cơm” tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai", ông nói thêm.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cùng với chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý, cần tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chế hế độ đãi ngộ để thu hút giáo viên, tháo gỡ những khó khăn cho trường công lập khi tuyển dụng giáo viên nước ngoài. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.