Thay lời tri ân

Thứ Tư 8:11 20/11/2024

ĐBP - Trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, đối mặt với muôn vàn khó khăn từ khoảng cách địa lý cho đến sự khác biệt ngôn ngữ, các thầy cô giáo vùng cao vẫn luôn tận tụy với nghề, đưa con chữ đến từng bản làng xa xôi của rẻo cao Điện Biên. Họ không chỉ là người dạy chữ, mà còn là người thắp sáng ước mơ, là cầu nối giúp các em vươn lên bằng tri thức để dựng xây tương lai tươi sáng hơn.

Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Hơn 13 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao Mường Chà là ngần ấy thời gian cô Mào Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Sá Tổng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, cô được phân công tác đầu tiên tại Trường Mầm non Hừa Ngài, xã Hừa Ngài. Ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp nên ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cô Hải luôn dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, đặc biệt là những em có khó khăn, dân tộc thiểu số để tạo sự gắn kết giữa cô và trò.

Cô Mào Thị Hải chia sẻ: “Học sinh nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn trong hành trình theo đuổi con chữ. Các em phải học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ngày trước, các em phải học trong những lớp học cũ, mục nát, mùa hè thì oi bức vì không có điện, có quạt; mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhưng không có manh áo ấm. Vào mùa mưa thì khổ không nói hết. Hình ảnh học sinh đến trường với đôi chân trần bê bết bùn đất, mặt mũi nhem nhuốc luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Càng tiếp xúc, tôi càng thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với học sinh và phụ huynh nơi đây”.

Năm 2017, cô Hải về công tác tại Trường Mầm non số 2 Sá Tổng, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách trường. Với cương vị mới này cô Hải luôn gương mẫu, “truyền lửa” cho đội ngũ giáo viên trong trường để vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là người vững chuyên môn, cô thường xuyên khuyến khích các đồng nghiệp tìm tòi, sáng tạo. Tại các hoạt động trải nghiệm cô luôn lấy trẻ làm trung tâm để khơi dậy niềm đam mê khám phá ở các em. Đồng thời, lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị của giáo viên, phụ huynh để có những điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo, điều hành. Những nỗ lực, đóng góp của cá nhân cô Hải đã tô điểm thêm sắc thắm cho bức tranh về sự nghiệp “trồng người” của Trường Mầm non số 2 Sá Tổng.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Còn Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Vũ Thị Tố Loan - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lương Thế Vinh, TP. Điện Biên Phủ lại là người luôn tâm huyết, hết lòng lan tỏa tình yêu lịch sử dân tộc tới các thế hệ học sinh. Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “bảng đen phấn trắng”, NGƯT Vũ Thị Tố Loan góp phần viết nên những trang sử đẹp cho các ngôi trường mình đã dạy học. Để thu hút học sinh trong giờ giảng của mình, bên cạnh sự vững vàng về chuyên môn, cô Loan luôn tích cực nghiên cứu phương pháp dạy học mới, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin dưới nhiều hình thức như tranh, ảnh, video, sơ đồ… để thiết kế tiết giảng giúp học sinh dễ tiếp thu bài. Ngoài ra, cô cho học sinh thảo luận nhóm, chơi trò chơi nhằm khơi dậy hứng thú học tập và giúp các em nhận ra mối liên hệ giữa lịch sử với cuộc sống hiện tại. Đồng thời khuyến khích các em tự tìm tòi, nghiên cứu và chia sẻ hiểu biết của bản thân về chủ đề lịch sử. Trong quá trình dạy học, cô luôn tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ học sinh để điều chỉnh cách dạy sao cho các em hiểu bài, chiếm lĩnh kiến thức lịch sử bằng niềm vui và sự đam mê. Cô Loan tâm sự: “Những kiến thức khô khan được dạy theo phương pháp mới, trực quan và thú vị có thể khơi gợi hứng thú, tò mò của học sinh với môn Lịch sử. Theo tôi, dạy lịch sử phải đi đôi với giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước cho các em thì mới được coi là hiệu quả, thành công”.

Với đặc thù là tỉnh miền núi còn không ít khó khăn, những năm qua đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã và đang nỗ lực hết sức để đem lại con chữ, ánh sáng tri thức tới nhiều thế hệ học sinh. Thầy cô vùng cao không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những tấm gương sáng về sự hi sinh, bền bỉ và lòng yêu nghề, góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ nơi đây.

Cô giáo Trường Mầm non Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé chăm sóc học sinh.

Thầy giáo Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2024 - 2025, toàn ngành có 482 trường, trung tâm với 7.320 lớp, 207.790 học sinh. Với địa hình phức tạp, địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, một số trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm trường đang là những khó khăn rất lớn của ngành. Trong khi, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới giáo dục, các nguồn lực xã hội hóa còn ở mức khiêm tốn. Mặc dù quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng đáng kể so với những năm học trước, yêu cầu về chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo ngày càng cao, song hàng năm, số biên chế công chức hành chính và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục vẫn phải cắt giảm theo lộ trình. Khả năng thành lập các trường ngoài công lập rất khó khăn nên việc thực hiện cắt giảm số người làm việc được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ít khả thi, dẫn đến làm tăng áp lực làm việc đối với giáo viên công lập (tăng giờ) do thiếu giáo viên. Một số chế độ, chính sách đối với giáo dục còn nhiều bất cập.

“Dẫu vậy, cùng với các chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, đội ngũ giáo viên tỉnh nhà bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, sự nhiệt tình trong công tác luôn nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, tích cực bám lớp, bám trường cống hiến phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà, tự giác học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học của tỉnh nhà đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao. Toàn ngành có trên 15.746 người, trong đó cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 94%; tỷ lệ đảng viên chiếm 60,2%; không có cơ sở giáo dục chưa có đảng viên. Tất cả những nỗ lực, cố gắng đó đã làm nên những thành tựu quan trọng cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, góp phần bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà” - thầy giáo Cù Huy Hoàn cho biết thêm.