Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố âm thanh của một hố đen ở trung tâm cụm thiên hà Perseus, cách Trái đất hơn 200 triệu năm ánh sáng.
Đài quan sát tia X Chandra đã ghi lại các sóng âm trên dưới dạng dữ liệu thiên văn, sau đó được chuyển thành dạng âm thanh mà con người có thể nghe thấy.
Lâu nay, mọi người vẫn quan niệm sai lầm rằng không có âm thanh trong vũ trụ do không có môi trường để sóng âm truyền đi. Trên thực tế, sau khi được chuyển hóa, âm thanh vọng ra từ hố đen nghe rất giống một bản nhạc trong phim khoa học viễn tưởng.
Nhóm chuyên gia NASA đã phát hiện một luồng khí nóng bao phủ cụm thiên hà Perseus rộng 11 triệu năm ánh sáng, và chất khí này chính là môi trường cho sóng âm truyền qua. Họ đã tổng hợp lại các sóng âm để phù hợp với phạm vi thính giác của con người, bằng cách mở rộng tần số của chúng lên gấp 4 tỷ lần. Bản âm thanh này được phát hành để kỷ niệm Tuần lễ Hố đen năm nay của NASA và được đưa vào chương trình vũ trụ học của NASA.