ĐBP - Với việc tập trung ưu tiên, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để kiên cố hệ thống kênh mương, thủy lợi đã tạo điều kiện mở rộng diện tích bãi tưới, nâng cao hiệu quả canh tác, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hiện nay toàn tỉnh có hơn 970 công trình thủy lợi; tổng chiều dài tuyến kênh khoảng 1.612,1km; trong đó kênh được kiên cố chiếm 83,46%. Chính quyền các cấp đã ưu tiên nguồn vốn để kiên cố hóa hệ thống kênh mương dẫn nước nhằm tăng hiệu quả sau đầu tư các công trình thủy lợi. Nhờ đó tiết kiệm được nguồn nước tưới, nâng cao hiệu quả tưới tiêu và thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích gieo trồng, nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi giúp điều tiết nước, phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiều năm nay, hơn 10ha lúa hai vụ của bản Nà Ngám (xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ) luôn xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất vào vụ đông xuân. Nguyên nhân là do tuyến kênh dẫn nước chưa được kiên cố nên lượng nước bị thất thoát lớn, không đủ cung cấp cho đồng ruộng. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, lượng nước dồn cục bộ vào tuyến kênh, không thoát nước kịp dẫn đến tình trạng ngập úng lúa làm giảm năng suất, sản lượng. Nhằm khắc phục tình trạng đó, năm 2021, UBND TP. Điện Biên Phủ đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư bê tông hóa toàn bộ tuyến kênh tại cánh đồng bản Nà Ngám. Sau nhiều tháng thi công, từ tuyến kênh đất nhỏ hẹp, hiện nay toàn bộ tuyến kênh dài 200m đã được bê tông kiên cố, chiều rộng lòng kênh và chiều cao thành kênh khoảng 1m. Đồng thời, UBND TP. Điện Biên Phủ còn đầu tư xây dựng thêm đoạn kè ven sông Nậm Rốm với chiều dài khoảng 200m giúp cánh đồng bản Nà Ngám khắc phục dứt điểm tình trạng sạt lở đất lúa mùa mưa lũ.
Bà Cà Thị Chung, thôn Nà Ngám, xã Nà Nhạn cho biết: “Khi Nhà nước đầu tư xây kênh, xây kè, dân bản rất vui mừng, phấn khởi. Các hộ có diện tích ruộng thuộc phạm vi công trình đều tự nguyện hiến đất để làm kênh, xây kè. Thời điểm này khoảng 1 - 2 năm trước, hơn 1.000m2 ruộng của gia đình tôi tại khu vực này bắt đầu có hiện tượng thiếu nước cục bộ. Bây giờ nước lúc nào cũng tràn trề trong ruộng, cây lúa vẫn phát triển tốt dù vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại đầu năm”.
Những năm gần đây, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Điện Biên cũng được quan tâm, đầu tư kiên cố hóa. Kết thúc vụ mùa năm 2021, huyện Điện Biên đã đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện đổ bê tông tuyến kênh cấp III tại cánh đồng bản Co Mỵ (xã Thanh Chăn). Công trình đảm bảo nước tưới cho 40ha lúa 2 vụ của thôn Thanh Hồng và đội 12, bản Co Mỵ.
Ông Lò Văn Minh, đội 12 cho biết: “Tuyến kênh được kiên cố giúp tăng hiệu quả sản xuất lúa và giảm thất thoát nước. Giờ đây, người dân chúng tôi rất yên tâm sản xuất, không phải vất vả đi dẫn nước về ruộng như những năm trước”.
Huyện Điện Biên hiện có 108 công trình thủy lợi với 558,67km kênh mương; tỷ lệ kiên cố hóa đạt 51%. Là huyện có diện tích lúa lớn nhất tỉnh và liên tục được mở rộng qua các năm. Trên địa bàn huyện tuy có công trình Thủy nông Nậm Rốm nhưng chỉ hệ thống kênh cấp 1 và một phần kênh cấp 2 được kiên cố hóa, còn hệ thống kênh cấp 3 vẫn đang là mương đất. Bên cạnh đó, tại các xã khu vực trên kênh, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ nên nhiều diện tích thiếu nước sản xuất 2 vụ. Do đó, hàng năm UBND huyện luôn ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi. Sau khi kết thúc vụ mùa mỗi năm, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi và bê tông hóa hệ thống kênh mương. Riêng năm 2021, huyện Điện Biên đã bố trí trên 44 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa 4 công trình thủy lợi và kiên cố 11 tuyến kênh cấp III với tổng chiều dài 13,4km.