Linh hoạt giảm nghèo ở các huyện 30a

Thứ Hai 7:09 28/03/2022

ĐBP - Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé là 5 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ. Những năm qua, từ nguồn vốn 30a, mỗi huyện một cách làm sáng tạo khác nhau, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, do đó kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực.

Mô hình chăn nuôi trâu bò để xóa đói giảm nghèo của người dân xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cho hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát điểm của các huyện 30a thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu, trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực huy động tại chỗ cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương; trong khi nguồn lực Trung ương phân bổ, hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế mục tiêu giảm nghèo… Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo ở địa phương.

Với những cách làm sáng tạo, phù hợp, những năm gần đây công tác giảm nghèo tại các huyện 30a đạt kết quả tích cực. Điển hình như huyện Mường Ảng thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm hộ nghèo từ 54,91% năm 2016 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 38,06% năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025). Để có được kết quả đó, huyện Mường Ảng đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên bám sát cơ sở để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục và tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời, bố trí, sử dụng nguồn vốn đúng quy định và có sự lồng ghép các nguồn lực đầu tư, chú trọng đầu tư các công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Khi triển khai Nghị quyết 30a, Mường Nhé là một trong số các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện đã rà soát từng xã, xác định nguyên nhân nghèo, từ đó thực hiện tốt các nhóm chính sách giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, có điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất. Đơn cử như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với nguồn vốn hơn 54,3 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ 1.080 con trâu, bò sinh sản cho 2.297 hộ gia đình, hình thức hỗ trợ theo nhóm hộ; hỗ trợ 27.492 con gia cầm giống cho 262 hộ gia đình nuôi thương phẩm theo hướng an toàn sinh học; ngoài ra còn thực hiện hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại (142 hộ, với mức 2 triệu đồng/hộ), trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho gia súc... Các chương trình được huyện, xã thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ (hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo) đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các cơ quan, cộng đồng, người dân. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Nhé giảm từ 70,02% năm 2016 (chuẩn nghèo cũ) xuống còn 59,92% năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025).

Theo đánh giá tổng thể kết quả chương trình 30a tại các huyện nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chính quyền các huyện thụ hưởng đã tập trung thực hiện các chính sách: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo; hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, các huyện 30a được phân bổ trên 934 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên đã thực hiện đầu tư xây dựng 126 công trình (62 công trình giao thông, 13 công trình thủy lợi, 8 công trình nước sinh hoạt, 7 công trình trường học...)

Một trong các nội dung được các huyện 30a chú trọng là hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đến nay đã hỗ trợ thông qua giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng cho hơn 1.137 hộ dân và 88 cộng đồng; hỗ trợ 647 hộ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất và hỗ trợ gạo cho 536 lượt hộ dân. Thực hiện hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho gần 3.000 lượt hộ dân với diện tích gần 634ha; hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho tổng số gần 15.500 hộ dân; thực hiện 72 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 2.000 hộ tham gia; hỗ trợ hơn 1.500 hộ về máy móc, nông cụ sản xuất; hỗ trợ 162 lao động đi làm có thời hạn ở nước ngoài.

Nếu như thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 30a (năm 2008), tổng số hộ nghèo các huyện 30a gần 20 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 57,5% tổng dân số của các huyện thì đến năm 2021 giảm còn 39,61% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo năm 2021 là 50,65%. Trong đó, huyện Điện Biên Đông 53,20%; Tủa Chùa 46,25%; Nậm Pồ 55,21%; Mường Nhé 59,92% và thấp nhất là huyện Mường Ảng 38,06%.