Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất

Thứ Hai 6:19 11/04/2022

ĐBP - Từ nguồn vốn của các chương trình giảm nghèo bền vững, các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện Tủa Chùa triển khai thực hiện đồng bộ, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên.

Người dân thôn 1, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) tham dự buổi đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất ngô lai NK 6639.

Mô hình sản xuất ngô lai NK 6639 được triển khai năm 2020 tại thôn 1 và thôn Dê Giàng, xã Sính Phình trên diện tích 5ha với 30 hộ dân tham gia. Đây là giống ngô mới, lần đầu tiên đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện. Với ưu điểm là thời gian sinh trưởng trung bình (khoảng 115 ngày), cây thấp, chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, năng suất trung bình đạt 65 tạ/ha. Tham gia mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và kỹ thuật sản xuất ngô nói riêng của bà con vùng cao; nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập.

Anh Giàng A Páo, thôn 1, xã Sính Phình, một trong những hộ tham gia mô hình giống ngô mới chia sẻ: Với 1.500m2 gia đình tôi đã thu hoạch gần 1 tấn ngô; cao hơn nhiều so với trồng các giống ngô địa phương. Sau khi tham gia mô hình tôi đã triển khai trồng giống ngô này trên toàn bộ diện tích gần 1ha nương của gia đình. Tham gia mô hình, người dân chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách gieo trồng đúng thời vụ, đúng mật độ; kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ngô như: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh khô vằn, đốm lá… theo từng giai đoạn sinh trưởng. Vì thế, cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, thời gian qua thị trấn Tủa Chùa đã thực hiện hỗ trợ 14 hộ tại tổ dân phố Quyết Tiến mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Trong 2 năm (2018, 2019) từ nguồn vốn Chương trình 135 được giao 85,5 triệu đồng, thị trấn đã thực hiện hỗ trợ 7 hộ dân mua trâu, bò sinh sản. Đến nay, các loại máy móc hỗ trợ đã phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp; trâu, bò được hỗ trợ hiện nay đã sinh sản và mang lại nguồn thu nhập cho các hộ dân.

 Ông Bùi Công Thuần, Chủ tịch UBND thị trấn Tủa Chùa cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ dự án, UBND thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hộ dân được dự án hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cần bảo quản, duy tu, bão dưỡng để sử dụng có hiệu quả; tuyên truyền, vận động hộ được hỗ trợ mua trâu bò chăm sóc đúng kỹ thuật, nhân giống để phát triển đàn gia súc, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo huyện Tủa Chùa năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã Tả Phìn triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi vịt nội tại thôn Tả Phìn. Mô hình đã giúp 25 hộ nghèo, cận nghèo thôn Tả Phìn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi vịt nội để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Ông Mào Văn Bổn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Nhờ tham gia vào các mô hình mà đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tủa Chùa tiếp cận với những kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng thu nhập từng bước xóa đói, giảm nghèo ổn định cuộc sống. Vì vậy việc đầu tư triển khai những mô hình rất cần thiết, thời gian tới cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp về kinh phí để các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Bằng nhiều nguồn vốn, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, từ năm 2019 đến nay, huyện Tủa Chùa thực hiện được hàng trăm dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ đã góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo trên địa bàn huyện.