ĐBP - Thời điểm cuối năm, giáp tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Các cửa hàng, đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã có giải pháp nhập hàng, dự trữ hàng hóa không để thiếu nguồn cung. Song đây cũng là thời điểm gia tăng các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trà trộn tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã phối hợp, tăng cường kiểm soát thị trường hàng hóa tết nhưng trên hết, người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức mua sắm, kịp thời tố giác các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thực tế, Điện Biên là địa bàn miền núi, biên giới trải dài, đi lại khó khăn trong khi lực lượng quản lý thị trường khá mỏng không thể kiểm soát hết địa bàn nhất là thời điểm cuối năm. Lực lượng quản lý thị trường Điện Biên đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán; phối hợp các lực lượng tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, tiêu thụ cao như bánh kẹo, rượu bia, lương thực, thực phẩm... Ngoài các đội quản lý thị trường phụ trách theo địa bàn còn có đội cơ động kiểm tra toàn tỉnh để giám sát, kiểm tra thị trường hàng hóa hiệu quả hơn. Được biết, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường Điện Biên đã kiểm tra gần 1.400 vụ, xử lý hơn 500 vụ vi phạm hành chính chủ yếu về giá, nhãn mác hàng hóa, an toàn thực phẩm... Tình trạng gian lận thương mại diễn biến phức tạp trong cả nước đặc biệt vào dịp tết khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Với Điện Biên, lợi dụng địa bàn miền núi, vùng cao, nhận thức của người dân còn hạn chế, hàng nhái nhãn mác, kém chất lượng được đưa về tiêu thụ với giá thành thấp hơn. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn này thường khó hơn khi lực lượng quản lý thị trường không thường xuyên có mặt và người dân muốn mua hàng giá rẻ, cũng không biết hành vi gian lận để tố giác.
Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, thị trường hàng hóa sôi động hơn bởi hai năm trước đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân không mua sắm nhiều. Các cơ sở kinh doanh, đại lý trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn cung hàng hóa, nhiều mặt hàng phục vụ tết được dự trữ dồi dào, không lo thiếu hàng. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra dai dẳng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngoài bán hàng tại cửa hàng, đại lý, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… trao đổi, mua bán. Là một siêu thị lớn trên địa bàn, Siêu thị Hoa Ba ngoài bán hàng trực tiếp tại siêu thị còn bán hàng trực tuyến qua số hotline và trang tin điện tử. Do vậy, ngoài bày hàng lên kệ, nhân viên Siêu thị Hoa Ba còn đóng hàng theo đơn đặt hàng trực tuyến. Bên cạnh các siêu thị, đại lý lớn, nhiều cá nhân sử dụng mạng xã hội zalo, facebook, tiktok bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Mua bán trực tuyến, người tiêu dùng không phải ra ngoài, chỉ cần lựa chọn, đặt hàng là có người đưa đến tận nơi. Việc mua bán, thanh toán trực tuyến diễn ra nhanh chóng, không có địa điểm, cơ sở kinh doanh rõ ràng; hàng lậu, hàng nhái được tuồn vào tiêu thụ khiến việc mua bán trên mạng diễn ra khá sôi động và khó kiểm soát. Vì thế, người tiêu dùng cần lựa chọn nơi có uy tín, hàng chất lượng đảm bảo để mua bán, tránh tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
Nhằm kiểm soát chặt thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường và cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa, thương mại điện tử cần được đẩy mạnh để người kinh doanh, người tiêu dùng nắm rõ, chấp hành và nhận biết các hành vi gian lận. Ngoài hoạt động của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, là người tiêu dùng thông thái ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.