ĐBP - Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 có mục tiêu tổng quát: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước...
Đây là chương trình lớn, được kỳ vọng là động lực vừa khai thác, phát huy tiềm năng vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách và lâu dài đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Xác định rõ ý nghĩa to lớn của Chương trình, ngày 10/12/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU; ngày 2/4/2022, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ban hành “Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh”.
Song đến nay, đã hết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói chung trên địa bàn tỉnh (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững) còn rất chậm. Trong đó, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 6,7%, vốn sự nghiệp đạt 1,55%.
Nguyên nhân được ngành chức năng, chính quyền địa phương nêu ra chủ yếu là do… khách quan, như: Kế hoạch vốn Trung ương giao muộn (cuối tháng 5/2022); thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước; hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương còn chậm; khó khăn về giải phóng mặt bằng, tác động của dịch bệnh, giá nguyên vật liệu tăng cao...
Tuy nhiên, thực tế thì nguyên nhân chủ quan không ít, nhưng chưa được các cơ quan, đơn vị liên quan nhìn nhận một cách sòng phẳng. Đó là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện còn bất cập; trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, địa phương chưa cao; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả tỉnh còn lớn. Toàn tỉnh hiện còn 7 huyện nghèo, 93 xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; còn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nếu triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, điều kiện sống giữa vùng dân tộc thiểu số với vùng trung tâm, đô thị trên địa bàn tỉnh.
Vẫn biết đây là chương trình mới có nhiều nội dung, nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện nên việc triển khai sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Song các cấp, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; giao và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
Một giải pháp quan trọng là phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó cần nắm rõ việc triển khai các dự án, tiểu dự án để chủ động kế hoạch và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình. Ban Chỉ đạo, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm trả lời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân theo quy định.
Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để vùng dân tộc thiểu số sớm thoát khỏi trình trạng “lõi nghèo” của tỉnh.