ĐBP - Thực hiện hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Hội Nông dân huyện Mường Nhé đã đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân.
Ông Thào A Tủa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, 100% số bản trên địa bàn huyện có tổ chức Hội Nông dân với 112 chi hội thuộc Hội Nông dân các xã với tổng số 4.727 hội viên. Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, thời gian qua Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Kết quả, toàn huyện có 102 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, gắn tuyên truyền với hỗ trợ nguồn lực giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, Hội Nông dân huyện đã mở 2 cụm lớp tập huấn về nghiệp vụ cho 139 học viên là cán bộ, chi hội trưởng nông dân các cơ sở thuộc Hội nông dân 11 xã trên địa bàn huyện; tổ chức 205 buổi tuyên truyền với 7.175 lượt hội viên nông dân tham dự với các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội có nhiều tiến bộ, theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất và đời sống của hội viên.
Thông qua các hoạt động Hội Nông dân triển khai xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khẳng định vai trò chủ thể của nông dân. Đến nay, huyện Mường Nhé đã xây dựng 3 mô hình chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt và bán chăn thả, quy mô 45 con trâu, bò; trồng 5,7ha cỏ. Ngoài ra, có 87 hộ (nhóm hộ) tại 11 xã chăn nuôi 1.066 con gia súc theo hình thức nuôi nhốt và bán chăn thả. Triển khai mô hình trồng cây gai xanh, toàn huyện đã đăng ký trồng với diện tích 77,9ha. Trong đó có 2,2ha cây gai xanh đã cho thu hoạch vụ đầu đạt 1,9 tạ/ha vỏ khô được Hợp tác xã Gai xanh Mường Nhé thu mua với giá 34.000 đồng/kg.
Để giúp hội viên tiếp tục có nguồn vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả; kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực phối hợp giải ngân kịp thời sau khi thu hồi vốn và khi có nguồn bổ sung mới đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã thành lập đoàn giám sát tại 3 xã: Quảng Lâm, Mường Nhé, Leng Su Sìn. Năm 2022, Hội đã tổ chức kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân tại 11/11 Hội cơ sở, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện kiểm tra hoạt động ủy thác tại 9/11 xã, 42/47 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền giải ngân 36,1 tỷ đồng. Thực hiện công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, đến nay tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách do Hội các cấp quản lý trên 100,8 tỷ đồng với 2.040 hộ vay. Qua đó đã kịp thời giúp hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn, có vốn mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất vươn lên thoát nghèo; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn địa phương.