ĐBP - Một người bạn đến mời tôi dự tiệc tân gia. Bạn là người dân tộc Thái, theo phong tục, khi gia đình, dòng họ có việc lớn thường sẽ mổ trâu. “Em mổ một trâu, một bò anh ạ. Công trình cả đời mà!”- bạn tôi phấn khởi cho biết. Hai anh em chuyện trò, vô tình câu chuyện lại rẽ đến việc trâu, bò đang có tín hiệu tăng giá. Cậu em cười sảng khoái, nói: “Bây giờ mua một con trâu sẽ đắt hơn từ 2 - 3 triệu đồng so với trước tết trở về trước. Mình có việc phải mua đắt hơn nhưng mà mừng cho người chăn nuôi anh ạ!”
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, trâu bò hơi rất được giá. Người chăn nuôi trâu bò có thu nhập tốt. Một con trâu to có thể bán được 40 - 50 triệu đồng. Nhiều hộ có điều kiện thì đầu tư quy mô trang trại; những hộ ít vốn hơn thì chọn hình thức nuôi trâu, bò vỗ béo quy mô nông hộ. Thị trường tiêu thụ phần lớn là Trung Quốc. Song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ năm 2021, phía Trung Quốc đóng biên, trâu bò không xuất bán được. Thị trường tiêu thụ chính đóng cửa, thị trường trong nước tiêu thụ nhỏ giọt nên giá giảm mạnh. Trước đây, trâu bò được thu mua với số lượng lớn vận chuyển lên một số tỉnh biên giới phía Bắc để xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch thì một thời gian trâu bò từ nhiều trang trại tập trung tại các tỉnh biên giới lại “hành quân” về xuôi, bán cho tư thương nhưng sức tiêu thụ thấp nên bị ép giá.
Từ ngày 8/1, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới sau thời gian hạn chế vì dịch Covid-19, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ có cơ hội lớn. Người nuôi trâu, bò các tỉnh nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng lại khấp khởi vui mừng!
Nói “khấp khởi” bởi vì người nuôi trâu bò nói riêng, người sản xuất, trồng trọt nhiều mặt hàng nông sản khác nói chung chưa có được niềm vui ổn định, lâu dài. Nhiều mặt hàng vẫn bị lâm vào tình trạng nghẽn, tắc, đình đốn tức thời.
Xuất khẩu tiểu ngạch không phải là luồn lách, không chính thức mà vẫn phải đóng thuế, phí theo quy định. Nhiều thương lái, doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu tiểu ngạch vì thuế tiểu ngạch thấp hơn. Thủ tục xuất nhập khẩu tiểu ngạch lại dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cần tờ khai tiểu ngạch, phí biên mậu là có thể xuất được hàng mà không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như xuất nhập khẩu chính ngạch. Nhưng xuất nhập khẩu tiểu ngạch không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ. Xuất nhập khẩu chính ngạch phải hoàn thành nhiều thủ tục và đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan, nhưng có hợp đồng mua bán đầy đủ, có ràng buộc giữa bên mua và bán theo quy định; vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, được kiểm duyệt kĩ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, tính đến hết năm 2022, tổng đàn trâu bò toàn tỉnh có 234.503 con, tăng 5.657 con so với năm 2021. Những năm qua, mặc dù có chuyển biến tích cực song lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế địa phương. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu ổn định, khả năng cạnh tranh kém; công nghiệp chế biến chưa phát triển; liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi còn hạn chế; giá trị gia tăng thấp.
Để bền vững, ở góc độ địa phương cần phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu về số lượng lớn, ổn định, chất lượng cao. Liên kết theo chuỗi sẽ nâng cao giá trị sản xuất; đảm bảo an toàn dịch bệnh; ổn định đầu ra cho sản phẩm; giảm ô nhiễm môi trường; tạo được vùng nguyên liệu góp phần phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Còn cấp trung ương cần xem xét hướng xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm chăn nuôi.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi không thể cứ mãi qua “đường mòn, lối mở” để rồi người sản xuất cứ phải thấp thỏm, khấp khởi vui - buồn.