ĐBP - Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ hợp tác, doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, bước đầu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và bảo đảm thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, dần hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại.
Mô hình hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm mật ong trên địa bàn 2 xã: Chà Nưa, Chà Cang (huyện Nậm Pồ), do HTX nuôi ong Chà Nưa thực hiện với quy mô 300 đàn ong cho 30 hộ dân là một trong những mô hình liên kết điển hình. Năm 2020, mô hình được triển khai. Tham gia mô hình liên kết, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi ong; việc khai thác đảm bảo quy trình do đó chất lượng mật cao, tạo được thương hiệu qua đó tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Trong 3 năm (2020 - 2022) thực hiện liên kết số đàn ong tăng lên 346 đàn, lượng mật khai thác là 1.786 lít/năm, doanh thu gần 447 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân gần 15 triệu đồng/hộ/năm.
Dự án liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm xoài Ðài Loan do Công ty Cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thực hiện trên diện tích 11ha. Công ty cung ứng giống, vật tư đầu vào trong sản xuất; thu mua và tiêu thụ sản phẩm quả xoài tươi. Dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ðặc biệt là người tham gia là 100% người dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với quy trình kỹ thuật tiên tiến; giúp từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất hàng hóa. Ðến nay diện tích xoài đang cho thu hoạch; Công ty thu mua với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ quả, dự kiến năm 2023 thu mua khoảng 10 tấn quả. Mặc dù, sản lượng xoài chưa cao song bước đầu đã tạo niềm tin, phấn khởi cho người dân để tiếp tục đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.
Qua 5 năm tổ chức thực hiện Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HÐND của HÐND tỉnh Ðiện Biên về chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó giúp từng bước thay đổi phương thức tổ chức, trình độ sản xuất; thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao trình độ, thu nhập của người dân. Trong đó, số lượng dự án liên kết được phê duyệt và được nghiệm thu đến hết năm 2022 là 200 dự án, với sự tham gia của gần 8.000 hộ dân, 19 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết; nguồn kinh phí thực hiện triển khai liên kết theo các nội dung hỗ trợ là 107,297 tỷ đồng. Trong đó, có 138 dự án liên kết trong lĩnh vực trồng trọt; 31 dự án trong lĩnh vực chăn nuôi; 14 dự án liên kết lĩnh vực thuỷ sản và 17 dự án liên kết trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ðến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm như: Lúa, rau an toàn vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên, dứa tại huyện Mường Chà, chè Shan tuyết huyện Tủa Chùa... Một số sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh như: Quả đỗ leo 4 mùa (HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, huyện Ðiện Biên), mật ong rừng Chà Nưa (HTX Nuôi ong rừng Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), chè Tuyết Shan (Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên), gạo Séng cù, Bắc thơm số 7 (HTX Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Yên)...
Thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Ðơn cử, trồng rau an toàn giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, sản lượng tăng 15 - 25%, lợi nhuận tăng từ 30 - 35 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng một giống, áp dụng cơ giới hóa đã tăng lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Ðồng thời người dân được tiếp thu các kiến thức pháp luật trong triển khai thực hiện hợp đồng liên kết; từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, nông hộ sang phát triển sản xuất hàng hóa; thay đổi trình độ sản xuất từ quảng canh sang thâm canh, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.