ĐBP - Ðiện Biên có cánh đồng Mường Thanh diện tích hơn 4.100ha, rộng nhất khu vực Tây Bắc, là tỉnh có tiềm năng sản xuất nông nghiệp với nhiều đặc sản. Tiềm năng có song việc khai thác, phát triển thành vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị nông sản Ðiện Biên chưa được chú trọng đúng mức. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm bán thô là chủ yếu, chưa qua chế biến; kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp thiếu bền vững, hạn chế... Ðó là những vấn đề đặt ra cần có giải pháp hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương để nâng cao giá trị nông sản Ðiện Biên.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang được nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện. Nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn doanh nghiệp đưa ra. Doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện mô hình liên kết chuỗi sản xuất như vậy đảm bảo nông sản làm ra đạt yêu cầu chất lượng và được tiêu thụ, không lo “được mùa mất giá”. Là tỉnh giáp ranh với Ðiện Biên, Sơn La đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông sản xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị. Nông sản của Sơn La quy hoạch thành vùng trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất; chú trọng kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân. Ðây cũng là một giải pháp Ðiện Biên cần nghiên cứu, vận dụng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, Nậm Pồ là huyện quan tâm thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị từ sản phẩm OCOP bằng cách tập trung sản xuất gắn với vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương. Một số nông sản của Nậm Pồ, như: Mật ong Chà Nưa, rượu Mông kê Si Pa Phìn đang được duy trì, giữ vững sản phẩm OCOP; đồng thời tinh dầu sả Vàng Ðán, cam Nậm Tin đang hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP. Các sản phẩm chủ lực của huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, chế biến, xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ và vừa. Ðể hình thành các chuỗi giá trị, huyện Nậm Pồ tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân; tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền giúp người dân yên tâm sản xuất, tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao giá trị nông sản. Mặc dù vậy đó chỉ là kết quả bước đầu, cần nhiều hơn sự kiên trì trong thay đổi nhận thức, sản xuất gắn với chế biến tạo mẫu mã, bao bì, thương hiệu nông sản của Nậm Pồ.
Xu hướng sử dụng sản phẩm xanh, sạch, có chất lượng đang được người tiêu dùng hướng đến. Ðể đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe thì người dân và doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, không thể “mạnh ai nấy làm”, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ có liên kết mới giúp nông sản nâng cao giá trị, quảng bá rộng, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Vì thế việc hình thành các hợp tác xã là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Ðiện Biên có Nghị quyết 05/2018/NQ-HÐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chính sách ban hành, một số tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập trên cơ sở liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh hiện có 306 hợp tác xã với 9.727 thành viên song sự liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa chặt chẽ, thiếu sự ràng buộc. Chuỗi liên kết lỏng lẻo, dễ đứt gãy khiến nông sản không đạt tiêu chuẩn OCOP, trở lại sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu. Sự đứt gãy liên kết thể hiện rõ nhất đối với một số đặc sản của huyện Ðiện Biên Ðông gồm bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ, lạc đỏ Na Son.
Nông sản Ðiện Biên phần lớn chưa qua chế biến, bán thô nên lợi nhuận không cao, chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh. Với sản phẩm đã có thương hiệu như gạo Ðiện Biên vẫn xảy ra tình trạng gạo lẫn, gạo nhái thương hiệu khiến người tiêu dùng giảm dần tin tưởng với đặc sản địa phương, khó mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc sản xuất quy mô nhỏ, theo mùa vụ với quy trình sản xuất đơn giản, chưa quan tâm mẫu mã bao bì sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tiêu thụ chủ yếu qua tư thương… càng khó nâng giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Ðiện Biên.
Liên kết chuỗi, liên kết tiêu thụ nông sản thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là một giải pháp nông nghiệp Ðiện Biên cần xem xét, áp dụng phù hợp với từng địa bàn, khu vực, thế mạnh cây trồng.