ĐBP - Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư đã khiến cho nhiều dự án, cả những dự án trọng điểm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Tình trạng này kéo dài, không chỉ làm chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng tiến độ giải ngân chung năm 2024 của tỉnh, mà còn dẫn đến nguy cơ mất vốn khi các dự án hết thời gian bố trí kế hoạch vốn theo quy định.
Dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp với trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp (CTDD&CN) tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Mặc dù đã sắp hết thời gian thực hiện, nhưng đến nay dự án vẫn chưa có mặt bằng để thi công các hạng mục chính của công trình, như: Trụ sở làm việc; trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình… Tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án 7.000m2; đến nay diện tích đã thu hồi 3.200m2 (của 6 hộ gia đình và 1 tổ chức), diện tích còn lại chưa thu hồi 3.800m2 (3 hộ dân), đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Quân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các CTDD&CN, nguyên nhân do nhận thức của người dân về tính pháp lý hình thành tài sản đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc vận dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 3 hộ dân trên. Vì vậy, dù dự án đã phát lệnh khởi công từ đầu năm 2023, nhưng do toàn bộ diện tích chưa thu hồi thuộc phạm vi các hạng mục chính của dự án, đồng thời cũng là diện tích đất đào để đắp nền hạng mục phụ trợ, nên dự án bị chậm tiến độ. Lũy kế vốn đã bố trí cho dự án từ năm 2021 đến nay hơn 38,4/100 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt hơn 22,8/38,4 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân cho công tác quản lý dự án, tạm ứng nhà thầu thi công.
Dự án trên chỉ là một trong số các dự án do Ban Quản lý dự án các CTDD&CN tỉnh làm chủ đầu tư bị vướng mặt bằng. Bên cạnh nguyên nhân vướng mặt bằng thì thủ tục pháp lý đầu tư tại một số dự án cũng gặp khó khăn. Như dự án Bảo tàng tỉnh Điện Biên được phê duyệt chủ trương từ năm 2021 nhưng đến tháng 5/2022 mới có chủ trương vị trí, địa điểm xây dựng công trình; quá trình xử lý pháp lý của các đơn vị đạt giải mất nhiều thời gian; phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500… Vì vậy, năm 2024 Ban được giao hơn 122 tỷ đồng (trong đó, vốn kéo dài năm 2023 sang là hơn 18,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn mới đạt 10,1%; đặc biệt, nguồn vốn kéo dài đến nay chưa giải ngân được.
Năm 2024 huyện Mường Nhé được giao hơn 272 tỷ đồng để triển khai thực hiện 106 dự án. Mặc dù huyện đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn, nhưng đến nay mới giải ngân được trên 23%.
Theo ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, khó khăn trong công tác giải ngân vốn là tại một số dự án có số vốn lớn đang vướng mắc mặt bằng. Như dự án đường giao thông Mường Toong - Nậm Xả (xã Mường Toong) chiếm trên 20% tổng số vốn huyện được giao, nhưng hiện nay đang vướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, không có mặt bằng thi công. Mặc dù huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và tỉnh đã có văn bản trình bộ, ngành liên quan, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì vướng vào các quy định của Luật Đất đai sửa đổi mới ban hành nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được.
Vướng mặt bằng, thủ tục pháp lý cũng là những nguyên nhân khiến 11/40 đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm, như: Hội Cựu chiến binh tỉnh; Trung tâm kiểm định chất lượng (Sở Xây dựng); Trường Chính trị tỉnh; Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên... Cùng đó, toàn tỉnh có 65 danh mục dự án dù đã được ghi kế hoạch vốn năm 2024 nhưng chưa thực hiện giải ngân, như: Đường giao thông từ bản Ngã ba Mường Toong - trung tâm xã Nậm Vì; công trình nước sinh hoạt bản Pa Tết (huyện Mường Nhé); thủy lợi Nậm Cản (TX. Mường Lay); Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Mùn (huyện Tuần Giáo)…
Tính đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt 17,7% (thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước là 26,6%); trong đó, một số nguồn vốn (hư vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn nước ngoài) đạt 0%. Đối với nguồn vốn kéo dài năm 2023 sang, tỷ lệ giải ngân mới đạt 17,2%.
Với mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 toàn tỉnh đạt tối thiểu 95%, trừ đi số đã giải ngân thì trong những tháng còn lại cần thực hiện giải ngân được gần 78% (tương đương hơn 3.166 tỷ đồng). Như vậy, trong khoảng thời gian 2 quý còn lại của năm 2024, mỗi quý cần giải ngân khoảng 1.583 tỷ đồng, mỗi tháng trung bình cần giải ngân khoảng 527 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95%, trung bình mỗi tháng cần nỗ lực giải ngân gấp 3 lần so với tốc độ giải ngân của những tháng đầu năm.
Mục tiêu 95% nêu trên chưa bao gồm 680 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện trong năm 2024, bắt buộc giải ngân chậm nhất ngày 31/12/2024. Trong khi, hiện nay các dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng còn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Từ đó có thể thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trong những tháng còn lại của năm là vô cùng lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những giải pháp cụ thể, hiệu quả.