ĐBP - "Nguy hại từ việc vứt vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi" đã phản ánh trên báo Điện Biên Phủ nhưng đến nay tình trạng vứt vỏ bao thuốc BVTV vẫn tiếp diễn. Ngoài ý thức của người dân thì việc thu gom vỏ gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa thực hiện đúng quy định, nhiều bể chứa quá tải, hàng loạt bể chứa bị mất nắp đậy.
Bể mất nắp, lẫn lộn rác thải
Với hơn 120.350ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 100 - 130 tấn thuốc BVTV để trừ cỏ, sâu bệnh, ốc... Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, trên cây lúa toàn tỉnh sử dụng 26 tấn thuốc BVTV các loại. Vì vậy, lượng vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng được thải ra môi trường rất lớn.
Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 735 bể chứa, tập trung địa bàn huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, TP. Điện Biên Phủ. Nhiều bể chứa xây dựng không đúng quy cách theo quy định. Không ít bể chứa đã bị mất nắp đậy, quá tải; một số bể chứa vỏ bao gói thuốc chưa được sử dụng đúng công năng, chứa lẫn cả rác sinh hoạt.
Trên cánh đồng xã Thanh An (huyện Điện Biên), dù đã được đầu tư hàng loạt bể thu gom vỏ thuốc BVTV nhưng hầu hết đã mất nắp đậy, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Anh Cà Văn Liên, bản Huổi Cánh, xã Thanh An, cho biết: Trên dọc đường cánh đồng dẫn vào bản Huổi Cánh được đầu tư 2 bể chứa vỏ thuốc BVTV, tuy nhiên sau một thời gian, các bể này đều bị mất nắp đậy. Vì vậy, mùa mưa nước tràn vào, tồn dư thuốc trong vỏ bao ngấm ra ngoài đất, còn mùa nắng đi qua mùi hôi khó chịu.
Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định: Bể chứa có hình ống hoặc hình khối chữ nhật phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 1m3, có nắp đậy kín. Nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 5cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.
Thế nhưng, nhiều bể thu gom vỏ thuốc BVTV trên địa bàn các xã vùng lòng chảo Điện Biên đã bị mất nắp đậy.
Theo quy định, vỏ bao thuốc BVTV phải để riêng, không lẫn lộn với các loại rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Mặc dù các thôn, bản đã có quy định cấm vứt rác thải sinh hoạt, rác thải đồng ruộng vào bể thu gom vỏ thuốc BVTV, có nơi còn quy định phạt 500 nghìn đồng/lượt vi phạm. Nhưng nhiều người dân có thói quen khi đi làm ruộng mang theo rác thải sinh hoạt ở nhà để vứt vào bể chứa vỏ thuốc BVTV.
Thu gom, xử lý còn hạn chế
Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số lượng, khối lượng, chủng loại hóa chất BVTV hết hạn sử dụng, bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng còn tồn lưu có nhu cầu vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đăng ký thu gom, xử lý, vì vậy có những bể qua nhiều năm đã quá tải.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 toàn tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý hơn 2,6 tấn vỏ bao thuốc BVTV, riêng huyện Điện Biên Đông hơn 2 tấn, huyện Mường Chà 240kg, Tủa Chùa 22kg và TP. Điện Biên Phủ 382kg; các huyện khác không đăng ký thu gom, xử lý. Trong đó, huyện Điện Biên, nơi có diện tích cây trồng lớn, với 151 bể chứa vỏ thuốc BVTV, nhưng trong năm 2023 cũng không đăng ký thu gom và xử lý theo quy định.
Qua khảo sát tại hầu hết các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên, có rất nhiều bể chứa vỏ bao thuốc BVTV đã đầy, quá tải, rác tràn ra xung quanh. Một số bể xây bịt kín cả nắp (tránh trộm nắp đậy) nên lượng vỏ thuốc BVTV đã tồn đọng từ lâu chưa được thu gom. Một số bể đầy, người dân vứt vỏ bao thuốc BVTV, rác thải xung quanh bể, gây ô nhiễm môi trường.
Tại điều 4, Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT quy định, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Song thực tế, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm việc này.
Ông Cao Minh Chính, Phó phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường (được giao làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại tiến hành vận chuyển, xử lý theo quy định) chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý thuốc BVTV hết hạn sử dụng và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Do trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ năng lực nên Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh tỉnh Hải Dương vận chuyển về các tỉnh khác xử lý theo quy định. Việc thu gom, xử lý do các địa phương đăng ký, còn Sở tổng hợp và tổ chức đầu thầu, hợp đồng với đơn vị xử lý.