Hàng loạt ngân hàng chào bán trái phiếu với lãi suất dao động 5,5% đến gần 8%/năm.
Thống kê của VIS Rating cho thấy, lượng phát hành trái phiếu mới đạt 202.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.
Đáng lưu ý, các ngân hàng thương mại cổ phần như Á Châu (ACB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Quân đội (MB), Phương Đông (OCB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... đã phát hành trái phiếu riêng lẻ nhiều đợt dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức lãi suất cao, dao động từ 5,5% đến 6,5%/năm.
Một số ngân hàng khác hiện cũng đang chào bán trái phiếu với lãi suất khá ấn tượng như Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (BVBank) chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9%/năm. Từ năm thứ 2, lãi suất lô trái phiếu này được tính theo công thức lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%.
Đưa ra mức lãi suất thấp hơn, lô trái phiếu 1.000 tỷ vừa được Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) hoàn tất kế hoạch phát hành bằng lãi tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng tham chiếu cộng biên độ 2,8%. Lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến gần 7,5%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn (Agribank) đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư với kỳ hạn 10 năm và lãi suất năm đầu lên gần 6,7%/năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3%/năm.
Như vậy, so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 5,5-6%/năm như hiện tại, lãi suất trái phiếu của ngân hàng hấp dẫn hơn, phù hợp với người dòng tiền nhàn rỗi dài hạn.