ĐBP - Ngày 25/4/2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ðây là lần đầu tiên Trung ương MTTQ Việt Nam có đề án riêng thực hiện trên địa bàn một tỉnh. Với Ðiện Biên đây là chương trình làm nhà Ðại đoàn kết lớn nhất, trong thời gian ngắn nhất từ trước đến nay. Bởi thế, mang theo “tinh thần Ðiện Biên Phủ”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đầy quyết tâm, khí thế vào cuộc để làm nên dấu ấn đặc biệt!
Bài 1: Điện Biên - Vươn lên cùng đất nước
Bước ra từ đổ nát chiến tranh, đói nghèo, thất học, sau 70 năm mảnh đất Điện Biên đã khoác lên mình diện mạo mới, vươn mình trên hành trình sánh kịp cùng đất nước. Mỗi chặng đường, giai đoạn lịch sử đều mang một dấu ấn rất riêng, rất Điện Biên Phủ!
Đi lên từ gian khó
Đúng 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta đã phất cao trên nóc hầm chỉ huy của địch tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh dấu mốc son chói lọi kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh đầy gian khổ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
Những năm tháng sau chiến tranh đầy vất vả, gian nan do phải thu dọn tàn dư chiến tranh, gây dựng gần như lại từ đầu. Để khơi dậy nội lực trong đồng bào, bằng “tinh thần Ðiện Biên Phủ”, Ban cán sự Đảng khi đó đã phát động mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi người dân trong các phong trào thi đua về lao động sản xuất, học tập, xóa đói giảm nghèo…
Bước qua thời kỳ đặc biệt gian khó của những năm tháng đầu kiến thiết, dựng xây, Điện Biên lại đối mặt với thách thức lớn về việc ổn định an ninh trật tự. Nhiều “điểm nóng” về tình trạng di dịch cư tự do, tác động xấu đến vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến thế trận quân sự, quốc phòng địa phương. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được xác định là do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chưa có “mái ấm” để yên tâm ổn định cuộc sống. Một số đồng bào vẫn mơ về những miền đất hứa, rồi cũng với tư duy đó, nhiều người lại từ nơi khác kéo về, khiến vấn đề an cư trở nên nhức nhối.
Người xưa có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Tinh thần đó được Ðiện Biên đặt lên hàng đầu và thể hiện rõ nét thông qua hàng loạt chương trình, dự án, phong trào về hỗ trợ làm nhà, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào nghèo được phát động, triển khai rộng khắp các ngành, địa phương trong tỉnh. Với tiềm lực hạn chế, ngoài sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, các cấp, các ngành, những năm gần đây Ðiện Biên đã phát huy tốt nguồn lực từ các chương trình xã hội hóa cho hoạt động này.
Những “chiến dịch” xóa nhà tạm
Thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực xã hội hóa để triển khai hỗ trợ làm nhà. Hàng năm, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã nhận được sự đóng góp ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để có kinh phí hỗ trợ làm nhà “đại đoàn kết” cho hộ nghèo.
Đáng chú ý, từ sự sẻ chia, hỗ trợ của các đơn vị, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình làm nhà cho hộ nghèo, giúp họ “an cư” trong những ngôi nhà mới. Điển hình phải kể đến chương trình hỗ trợ làm nhà theo nguồn kinh phí của Bộ Công an huy động cho các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông. Từ chương trình này, đã có hơn 2.800 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở để yên tâm ổn định cuộc sống. Hay như chương trình vận động làm nhà của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đã giúp hơn 500 hộ nghèo của tỉnh có được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi hơn.
Chia sẻ với hộ nghèo có điều kiện khó khăn về nhà ở, phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát, năm 2022 tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” nhằm huy động nguồn lực làm nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã mang lại kết quả thiết thực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Kết quả, đã có hơn 1.340 hộ nghèo của tỉnh được hỗ xây dựng “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” trong thời gian qua.
Ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: Với tinh thần chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo, tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ làm nhà để giúp bà con yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, hàng nghìn hộ nghèo trong tỉnh đã được hỗ trợ xây mới, sữa chữa nhà ở. Vừa qua, tỉnh đã triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Thế nhưng, nỗ lực như “muối bỏ bể”, chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế, bởi những rào cản mang tính đặc thù của một tỉnh thuộc top nghèo của cả nước. Thống kê đến đầu năm 2023, Ðiện Biên còn khoảng hơn 13.300 hộ, thuộc 168 thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng nhưng chưa được sử dụng điện lưới; gần 7.450 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa.
Những mong mỏi, khát khao đó càng trở nên cấp thiết hơn khi Ðiện Biên sắp tròn 70 năm sau giải phóng. Ðể hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho đồng bào, phấn đấu đến dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ sẽ cơ bản xóa nhà tạm, dột nát cho đồng bào nghèo, Ðiện Biên đã xây dựng chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Song chỉ quyết tâm thôi thì chưa đủ, Ðiện Biên vẫn cần thêm những vòng tay kết nối thiết thực hơn nữa…