Chiến thắng trên bầu trời Ðiện Biên Phủ

Thứ Ba 15:34 30/04/2024

ĐBP - 70 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến những trận đánh sân bay Mường Thanh, bảo vệ vùng trời Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng pháo binh, súng máy phòng không, ánh mắt Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa (hiện đang sống tại thôn C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lại sáng ngời.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư và tỉnh Điện Biên thăm, tặng quà Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Văn Chứa là Khẩu đội trưởng khẩu đội súng máy phòng không, thuộc Đại đội 677, Tiểu đoàn 536, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nay ông Chứa đã 94 tuổi, nhưng ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Đặc biệt, mỗi khi nhắc về lực lượng pháo phòng không, ông Chứa như trở về khí thế của tuổi đôi mươi. 

Sinh năm 1930, quê ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), đến năm 1949, chàng trai Nguyễn Văn Chứa tình nguyện lên đường tham gia bộ đội và được cử đi Trung Quốc học nghiệp vụ quân báo.

Sau khi về nước, ông từng tham gia nhiều chiến dịch, như: Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950, Chiến dịch Quang Trung ở Hà Nam Ninh năm 1951… Đến cuối năm 1953, ông cùng đồng đội nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chứa được phân công nhiệm vụ chỉ huy khẩu đội súng máy phòng không cùng với lực lượng pháo binh và bộ binh đánh chiếm sân bay Mường Thanh, chặn đứt đường hàng không của quân địch.

Ông Nguyễn Văn Chứa thường xuyên nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ, người có công cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Chứa kể lại: Với nhiệm vụ vừa phòng không vừa trợ chiến cho các lực lượng bộ binh, đơn vị được trang bị loại vũ khí mới như súng máy phòng không 12,7mm. Song cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đa số trình độ văn hóa mới học hết lớp 3, lớp 4, một số mới biết đọc, biết viết, có người chưa biết chữ, vốn chỉ quen với đồng ruộng, rồi khi nhập ngũ chỉ biết sử dụng súng trường, lựu đạn. Khi bước vào huấn luyện vũ khí mới, ai cũng hăm hở, nhưng khi học về cấu tạo khẩu pháo, máy ngắm, nguyên lý bắn, đường tà, góc bắn, đường đạn trên không, những đường cong đổi số, bắn đón đường bay của máy bay địch... thì nhiều người không hiểu.

Ngày ấy, sân bay Mường Thanh được ví như “yết hầu” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để đảm bảo chiến đấu và vận chuyển hậu cần, quân đội Pháp đã sử dụng lực lượng không quân gồm nhiều máy bay vận tải, chiến đấu và máy bay của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay ngoài biển Đông. Hàng ngày có gần 100 lượt máy bay vận tải lớn từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội) tiếp tế, thả dù cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong khi đó, lực lượng phòng không của quân đội ta gồm một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm được biên chế trong các đại đoàn bộ binh.

Sân bay Mường Thanh của Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Cũng theo ông Chứa, thời điểm ấy, xét về thế trận đất đối không, với ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, không quân Pháp hoàn toàn có thể làm chủ bầu trời Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ không phản ánh một cách đơn thuần tương quan lực lượng so sánh bằng những con số.

Trước đòn tiến công mạnh mẽ và thế trận bao vây từ các phía của quân ta, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã rơi vào thế bị động, bị cô lập. Lực lượng, vũ khí, trang bị, đạn dược của địch bị tiêu hao không được bù đắp; lương thực, thực phẩm không được cung cấp, thương binh không được cứu chữa kịp thời… Con đường tiếp tế duy nhất còn lại cho Điện Biên Phủ là đường hàng không, nếu bị ta cắt đứt thì quân địch bị cô lập hoàn toàn.

Nắm được điểm yếu cốt tử đó của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là lực lượng phòng không, hiệp đồng tác chiến với quân và dân trên các mặt trận, kiên quyết tiến công, khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp viện của địch. Đồng thời, bố trí pháo phòng không tầm cao xen kẽ pháo tầm thấp.

Trận địa súng máy 12,7mm bắn máy bay địch tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Ngày 13/3, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sáng ngày 14/3, nhiều máy bay Pháp bay lên theo các hướng, theo từng đoàn, cao thấp với nhiều hình thức khác nhau. Cuộc đối đầu trên vùng trời Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, đụng phải pháo cao xạ 37mm và súng phòng không 12,7mm từ nhiều phía bắn lên, khiến máy bay của Pháp khiếp sợ. Lúc đó Pháp mới biết rằng bộ đội Việt Nam đã đưa được pháo cao xạ áp sát trận địa.

Đến ngày 30/3/1954 không một chiếc máy bay nào của quân Pháp tiếp cận được với sân bay Mường Thanh. Mọi tiếp viện cho Điện Biên Phủ chỉ còn trông chờ vào dù tiếp tế. Tuy nhiên, Pháp không thể thường xuyên duy trì được các hoạt động tiếp tế đó. Pháo cao xạ của quân ta kiểm soát chặt chẽ và làm chủ bầu trời, buộc máy bay Pháp phải bay cao hơn và thả dù từ độ cao hơn 2.000m, cộng với gió mạnh khiến nhiều dù thả đồ tiếp tế rơi không đúng chỗ và lạc sang trận địa của ta.

Máy bay của quân Pháp bị bắn hạ tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Ông Chứa nhớ mãi kỉ niệm đơn vị ông đã bắn rơi máy bay. Đó là ngày 19/4/1954, Đại đội 677 đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay vận tải hai thân C119 do phi công Mỹ lái.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không cùng pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công.

Khống chế đường không, cắt đứt nguồn tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không cho quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ là cách đánh hiểm, đánh thẳng vào “dạ dày” của địch. Với sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không: Lực lượng đặc công tập kích sân bay; lực lượng bộ binh thực hiện vây, lấn, tấn, chiếm để thu hẹp phạm vi chiếm đóng; lực lượng pháo binh bắn phá hủy máy bay, chế áp sân bay; lực lượng phòng không thu hẹp không phận, tiến tới bao vây trên không, cắt cầu hàng không của địch.

Sau khi nghỉ hưu, ông Chứa tích cực đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Chứa cho biết: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 được lệnh trở về Thanh Hóa. Đến năm 1958, đơn vị ông được trên điều động trở lại Điện Biên để khôi phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Nông trường Điện Biên.

Nhiệm vụ khó khăn, đang từ đơn vị chiến đấu chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế cũng tác động đến tư tưởng, tình cảm của một số cán bộ, chiến sĩ. Để động viên kịp thời, Bác Hồ đã đến thăm, động viên và căn dặn: “Xây dựng nông trường là công việc mới mẻ, phải đoàn kết tốt trong đơn vị và địa phương, phải biết chọn giống, cây, con phù hợp với đất đai. Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước".

Và từ đó đến nay, ông Chứa đã ở lại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, xây dựng gia đình, xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.