Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, quyết tâm xây dựng, bảo vệ, đưa tỉnh Điện Biên phát triển ổn định, bền vững

Chủ Nhật 8:11 05/05/2024

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Trần Quốc Cường 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc, trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối giữa khu vực Bắc Bộ với khu vực Tây Nam Trung Quốc, các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Điện Biên giàu truyền thống cách mạng, là địa danh nổi tiếng với quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đi vào lịch sử, là mốc son bằng vàng, chiến công chói lọi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều, tổ 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tên gọi Điện Biên được đặt vào năm 1841 thời vua Thiệu Trị với nghĩa: “Điện” là vững chãi, “Biên” là biên giới; Điện Biên có nghĩa là “biên giới vững chắc”. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn khẳng định tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù trong lao động, thông minh, sáng tạo trong sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, bảo vệ biên cương, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…”, được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tham gia phục vụ chiến trường, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Ở khắp mọi nơi trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau giải phóng, thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi chia tách, thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,77%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp; các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án phát triển đô thị, dịch vụ hoàn thành, như: Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án Đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung; Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, bức tranh panorama trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Đến nay, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, đi được quanh năm; gần 85% dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh; 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; các lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực... Tỉnh chú trọng cải cách hành chính, ban hành cơ chế chính sách thông thoáng để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 210 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 47.415 tỷ đồng; tiêu biểu là các dự án đầu tư phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ, dự án thủy điện vừa và nhỏ, các dự án trồng rừng, trồng cây mắc ca, cây dược liệu...

Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Thực hiện Đề án 09 của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày 13/5/2023, đến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh đã xóa 5.000 nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo. Đời sống của nhân dân nâng lên, diện mạo đô thị, nông thôn có chuyển biến rõ nét. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50/115 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: Hà Linh

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng: tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay”; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, do các nguồn lực của tỉnh hiện nay còn rất hạn chế, khó khăn; nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương và nguồn xã hội hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở mức thấp và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc; chưa có nhiều giải pháp tạo động lực đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, hơn 25%. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, hiệu quả chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ chưa đáp ứng so với yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định. Tình trạng dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng’’, các tà đạo, buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy... diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền chưa ngang tầm nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức năng lực hạn chế, trách nhiệm chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi có lúc chưa đồng bộ, thiếu chủ động.

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn xác định việc phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Điện Biên. Đồng thời, cần năng động và sáng tạo phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của các địa phương trong cả nước, thực hiện quyết tâm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Biến nguy thành cơ, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, biến tiềm lực thành nguồn lực. Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nghị quyết đảng bộ các cấp đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước” theo Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác đối ngoại; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với đầu tư phát triển du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, sinh thái, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Một là chủ động nắm tình hình, phân tích và dự báo sát với thực tế, đề ra chủ trương, quyết sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từ đó xác định các đột phá để xây dựng và phát triển; đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh, thành phố để phát triển; tăng cường năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức triển khai, thực hiện.

TP. Điện Biên Phủ hôm nay.

Hai là phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, các vùng tôn giáo, dân tộc; tăng cường liên kết, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực, trường học, y tế... Mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Ba là chú trọng tăng trưởng kinh tế đi đôi với chăm lo phát triển xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, lợi ích chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở. Chủ động nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ cấp xã. Khẩn trương thực hiện Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ trong năm 2024, 2025 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2023.

Năm là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khắc phục, sửa chữa ngay những hạn chế, khuyết điểm. Đẩy mạnh phát triển đảng ở các thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Sáu là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ và những thành tích đạt được sau 70 năm, tạo khí thế và phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thiết thực trên các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cựu chiến binh, bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên phải đem tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên giàu mạnh; phải làm sao để mỗi làng, bản, công trường, nhà máy, đơn vị đều có tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ” .

Từ những thành tựu và bài học thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên nguyện đoàn kết một lòng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; quyết tâm xây dựng, bảo vệ, đưa tỉnh Điện Biên phát triển ổn định, bền vững, xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng!