ĐBP - Với tổng diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 7.370ha, trải rộng trên địa bàn 3 xã của huyện Mường Chà, gồm: Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Mường Chà là một trong những đơn vị triển khai tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến từng cộng đồng dân cư. Qua đó, rừng không chỉ được bảo vệ tốt mà cuộc sống người dân cũng khấm khá hơn nhờ hưởng lợi từ rừng.
Giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, giảm các vụ cháy rừng, phá rừng. Để nhận được sự ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu số tại từng địa phương, BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng. Đến nay, trong tổng diện tích hơn 7.370ha rừng được giao quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã giao khoán gần 7.280ha rừng cho 13 cộng đồng thôn, bản và 6 nhóm hộ gia đình quản lý; hơn 91ha diện tích còn lại do Ban tự quản lý và bảo vệ.
Năm 2016, cộng đồng bản Pom Cại, xã Mường Tùng nhận giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 210ha rừng từ BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà. Bản có hơn 70 hộ dân, với 2 dân tộc là Mông và Thái cùng sinh sống và đều được nhận tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ðến nay diện tích rừng giao cho người dân trong bản quản lý đã tăng lên gần 430ha, đều phát triển tốt; rừng không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Trưởng bản Pom Cại, Lò Văn Thân chia sẻ: Ðể bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng được giao khoán, bản Pom Cại đã thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng gồm 5 thành viên và Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng gồm 12 thành viên có nhiệm vụ định kỳ, đột xuất tuần tra, kiểm tra diện tích rừng đã được giao cho cộng đồng bản; tuyên truyền, vận động người thân, dân bản cùng chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng. Giữ rừng tốt không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ ẩm cho đất, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp mà còn giúp bà con có thêm thu nhập. Thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua, bản đã được nhận số tiền tạm ứng hơn 151 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2021. Số tiền trên, sau khi trích lại một phần để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng của bản, còn lại được chia đều cho các hộ dân nhận khoán. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã được đón một cái tết đủ đầy hơn.
Để công tác bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả, Ban Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà còn thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm 11 thành viên, chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm phân công trực 3 ngày luân phiên nhau. Theo ông Hạng A Thàng, Tổ trưởng Tổ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, các thành viên trong tổ chuyên trách sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng, Hừa Ngài và lực lượng kiểm lâm địa bàn, các tổ quản lý bảo vệ rừng ở các thôn, bản tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Vào mùa hanh khô, tổ tuần tra hướng dẫn người dân phát, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật, tránh để lửa cháy lan vào rừng; tổ chức dọn thực bì thường xuyên, phát đường băng cản lửa tại các vị trí giáp ranh; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả, cũng nhờ vậy, diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà quản lý được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng ngày càng tăng. Nếu năm 2016, số tiền được nhận là hơn 900 triệu đồng, thì đến năm 2021 số tiền được nhận đã tăng lên hơn 4,2 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Điện Biên trên 14 tỷ đồng. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt tăng thêm thu nhập cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tinh thần gắn kết cộng đồng được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Xác định rừng là tài sản quý giá, không chỉ có tác dụng đối với bảo vệ môi trường thiên nhiên mà còn góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, những năm qua, đơn vị luôn làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, từ khi triển khai giao khoán các diện tích quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình thì ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt, qua đó giảm thiểu việc chặt phá rừng làm nương của người dân địa phương và các vụ khai thác gỗ trái phép. Mừng hơn nữa là người dân còn có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, bà con ngày càng đoàn kết cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bảo vệ rừng bền vững.