ĐBP - Thời gian qua, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả chính xác, khách quan và kịp thời đã giúp ý thức bảo vệ rừng của người dân thay đổi rõ rệt, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng hằng năm. Đó là những minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng của những người thực thi chính sách chi trả DVMTR cũng như cơ quan chuyên môn và người dân, cộng đồng trong việc phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR.
Trong quá trình thực thi chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi chính sách đều có sự chủ động trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Đối với Nhà máy Thủy điện Thác Trắng, TP. Điện Biên Phủ khi sử dụng DVMTR phục vụ cho sản xuất, đơn vị luôn thực hiện nghiêm túc những quy định của chính sách. Dựa trên sản lượng điện sản xuất hằng năm, nhà máy đã đóng đầy đủ tiền phục vụ chi trả DVMTR theo đúng mức quy định của chính sách. Bởi lẽ sản lượng điện của nhà máy phụ thuộc vào lượng nước cung cấp cho nhà máy nên nhà máy phải có nghĩa vụ đầy đủ khi sử dụng dịch vụ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Công, Trưởng ban Nghiệp vụ, Nhà máy Thủy điện Thác Trắng, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Hằng năm, nhà máy duy trì sản xuất điện nhờ nguồn cung cấp nước từ môi trường rừng. Khi Nhà nước có quy định về việc chi trả theo chính sách thì đơn vị cũng dựa trên tổng sản lượng điện sản xuất được và đối chiếu với định mức đóng theo quy định của chính sách ở mức 36 đồng/KWh để lập biểu tính tổng và đóng theo định kỳ. Để thực hiện nghĩa vụ của đơn vị sử dụng dịch vụ, chưa năm nào chúng tôi đóng chậm, muộn hay thiếu so với quy định”.
Để chính sách được triển khai đúng, đủ, kịp thời, phát huy được mục đích, ý nghĩa của chính sách, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực thi chính sách đã cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong từng khâu. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị đầu mối giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức các hoạt động, nhiệm vụ liên quan đến việc chi trả tiền DVMTR. Quỹ đại diện cho bên cung ứng DVMTR ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để tiếp nhận ủy thác tiền DVMTR hằng năm theo định kỳ. Trên cơ sở số tiền được tiếp nhận từ các đơn vị sử dụng dịch vụ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chủ động tiến hành chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Để việc chi trả đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, nhiều cách làm cần thiết đã được Quỹ tiến hành theo quy định.
Ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Việc quản lý điều hành và thực hiện chi trả DVMTR được Quỹ dựa trên cơ sở xác định diện tích rừng hằng năm. Việc xác minh diện tích rừng để chi trả được coi là khâu quan trọng nhằm chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Vậy nên, đơn vị đã phối hợp với các Hạt Kiểm lâm và chính quyền xã cũng như các chủ rừng để nắm bắt các diện tích rừng có biến động hằng năm và tiến hành đo đạc, xác minh. Sau đó tổng hợp, thống nhất và lập biểu chi trả theo đúng thực tế. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo tính khách quan và chính xác cao, năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện thu đạt 100% kế hoạch; chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho chủ rừng năm 2022 đạt 99% kế hoạch, tạm ứng năm 2023 đạt 97% kế hoạch.
Cùng với việc đảm bảo chi trả tiền DVMTR được đúng, đủ, kịp thời và minh bạch, những người thực thi chính sách còn giám sát việc sử dụng nguồn quỹ sau chi trả để nguồn tiền được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, đặc biệt là đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi sự chủ động của các chủ rừng, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhằm theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các chủ rừng trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Để người dân, cộng đồng sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, chính quyền xã đã chỉ đạo các bản thành lập các tổ quản lý tiền và đăng kí mở tài khoản ở Ngân hàng CSXH huyện để Quỹ gửi tiền vào tài khoản. Sau đó, đại diện tổ quản lý sẽ rút tiền về rồi chia cho bà con hoặc phục vụ các hoạt động của bản. Để giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các bản, xã cũng chỉ đạo, phân công cán bộ địa chính, phối hợp với kiểm lâm địa bàn theo dõi giám sát việc sử dụng, chi tiêu thế nào. Nếu bản nào chi không đúng thì sẽ thu hồi về để thực hiện công việc khác”.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý và giám sát nguồn tiền DVMTR nên hầu hết các chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều lựa chọn trích một phần trong tổng số tiền nhận được hằng năm để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; số tiền còn lại nếu nhiều thì chia đều cho từng hộ, nếu ít thì đưa vào quỹ thôn, bản để phục vụ lợi ích chung. Nhờ những cách làm hay và sáng tạo của các cộng đồng đã giúp cho chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả, người dân ngày càng gắn bó với rừng. Qua đó càng khẳng định tính đúng đắn của việc thực thi chính sách chi trả DVMTR theo đúng quy định để phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.