Đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thứ Năm 15:42 24/10/2024

ĐBP - Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, hơn 400 chủ rừng ở các huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo phấn khởi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Với công tác tổ chức thực hiện chu đáo và minh bạch, hoạt động chi trả tiền DVMTR rừng đợt này đã góp phần tạo động lực, thúc đẩy các hộ dân tiếp tục bảo vệ tốt, phát huy hiệu quả diện tích đất rừng được Nhà nước giao.

Chủ rừng xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa nhận tiền DVMTR.

Đến nhận những thành quả của mình trong việc bảo vệ, quản lý rừng, anh Giàng Chù Dì, thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) được nhận số tiền hơn 3,7 triệu đồng. Anh Dì dự tính sẽ dùng một nửa cho sản xuất, số còn lại để dành mua gạo và thực phẩm bởi đây là thời điểm giáp hạt. Anh Dì chia sẻ: Tôi nhận giao khoán, bảo vệ hơn 3,7ha rừng từ năm 2022. Công sức tham gia quản lý, bảo vệ rừng được trả xứng đáng, nên không chỉ riêng tôi mà nhiều chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR đợt này ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đây thực sự là khoản tiền không nhỏ giúp cho gia đình tôi trang trải được nhiều thứ trong cuộc sống. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.

Trong lần chi trả này, các chủ rừng ở huyện Tủa Chùa được nhận trên 156 triệu đồng tiền DVMTR với tổng diện tích cung ứng DVMTR là 228,892ha (trong đó trên 190ha được chi trả tiền DVMTR). Chủ rừng là hộ dân thuộc các xã: Sín Chải, Tả Phìn, Sính Phình, Mường Đun, Xá Nhè, Tủa Thàng, Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR nhưng chưa mở tài khoản, được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp bằng tiền mặt.

Nhân viên Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn chủ rừng ở huyện Tủa Chùa làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng.

Cùng với huyện Tủa Chùa, đợt này, huyện Tuần Giáo có 55 chủ rừng thuộc thị trấn Tuần Giáo và 4 xã: Quài Nưa, Tỏa Tình, Quài Cang, Quài Tở được chi trả tiền DVMTR với số tiền hơn 103 triệu đồng. Mặc dù số tiền nhận được từ DVMTR chưa cao nhưng với người dân dù nhiều hay ít cũng là nguồn tài chính quan trọng để cải thiện cuộc sống và thêm động lực để họ giữ rừng. Anh Lò Văn Ún, xã Quài Nưa cho hay: “Hàng năm, người dân trong bản thường xuyên lên phát quang, trồng mới, chăm sóc cho những cánh rừng của mình. Đợt này, gia đình tôi được nhận hơn 1,4 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền nhận được tuy không nhiều nhưng đây là nguồn động viên để tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng”.

Để công tác chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng diễn ra thuận lợi, trước ngày tổ chức chi trả, người dân tại các xã đều được thông báo về thời gian, địa điểm và chuẩn bị các giấy tờ đầy đủ. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân khi đi mang theo căn cước công dân và quyết định giao đất giao rừng. Trong trường hợp chủ rừng không đến nhận tiền hoặc cử người khác đến nhận thay thì người nhận thay phải có giấy ủy quyền... Nhờ công tác phối hợp giữa các bên được thực hiện chặt chẽ, việc chi trả được các đơn vị tổ chức thực hiện theo phương châm “Tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn”.

Người dân huyện Tuần Giáo làm thủ tục nhận tiền môi trường rừng.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Chủ rừng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng lần này tại các huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo đều là hộ gia đình ở xa các trung tâm xã, thị trấn, chưa có điều kiện mở tài khoản ngân hàng nên Quỹ lập kế hoạch, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ và các đơn vị phối hợp phải thực hiện đúng quy định; đảm bảo chi trả tiền chính xác, an toàn, thuận tiện đến chủ rừng. Cùng với chi trả bằng tiền mặt cho các chủ rừng, cán bộ Quỹ đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp các chủ rừng làm thủ tục mở tài khoản. Từ đó, góp phần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt cũng như làm cơ sở để chi trả tiền DVMTR các năm tiếp theo được thuận lợi, chính xác, an toàn và minh bạch.